Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Hạnh cho biết: Để triển khai thực hiện kịp thời quyết định này, NHCSXH tỉnh đã chủ động báo cáo, tham mưu cho chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, đồng thời phối hợp với UBND, công an các xã thị trấn, tổ chức hội nhận uỷ thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, tổ dân phố tiến hành rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định. 

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Hạnh


Cụ thể, Chi nhánh đã thực hiện giải ngân những món vay đầu tiên với số tiền100 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Đoàn ở Yên Mỹ 2, phường Xuân Hòa, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã chấp hành xong án phạt tù. Để giúp ông tái hòa nhập cộng đồng, cán bộ NHCSXH phối hợp với công an phường, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống nhà để tìm hiểu nhu cầu làm ăn của gia đình, hướng dẫn ông sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Thay mặt gia đình, ông Nguyễn Văn Đoàn cảm ơn chính quyền địa phương, NHCSXH tin tưởng, tạo điều kiện, cho gia đình ông vay vốn để xây dựng dãy nhà trọ cho sinh viên thuê tạo thu nhập ổn định cho gia đình, giúp bản thân xóa bỏ tự ti, mặc cảm, từng bước vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Cán bộ tín dụng đang hướng dẫn cho ông Nguyễn Văn Đoàn làm thủ tục vay vốn


Ông Đào Anh Văn, Phó giám đốc Phụ trách Phòng Giao dịch NHCSXH TP. Phúc Yên, chia sẻ: Sau khi chấp hành xong án phạt, trở về địa phương, gia đình ông Đoàn rất khó khăn, thu nhập bấp bênh. Thấy ông chí thú làm ăn nên chính quyền địa phương phối hợp với Tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp cận, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ông vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế.
“Đây là người đầu tiên trong tỉnh sau khi chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế. Đơn vị đang rà soát để giải ngân tiếp cho những người chấp hành xong án phạt tù chí thú làm ăn trong thời gian tới”, ông Văn thông tin thêm.

Ông Đào Anh Văn, Phó giám đốc Phụ trách Phòng Giao dịch NHCSXH TP. Phúc Yên


Đại Tá Trần Minh Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Công tác tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thời gian qua, công tác này đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.

Đại Tá Trần Minh Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang trao đổi với phóng viên

 

 Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg
Đối tượng vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Điều kiện vay vốn: Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội; cơ sở sản xuất kinh doanh (được thành lập và hoạt động hợp pháp; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù; có phương án vay vốn).
Mục đích sử dụng vốn vay: Chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chi phí này bao gồm: học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại; Đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm: Chi phí để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Phương thức cho vay: Đối với người chấp hành xong án phạt tù thì được thực hiện theo phương thức thông qua hộ gia đình; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp.
Mức vốn và thời hạn cho vay: Mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù; đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.




PV