Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cưỡng bức lao động và có những
chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này.
Ngày 07/02/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đệ trình lên Chính phủ Hồ sơ về việc xem xét gia nhập Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tham gia Công ước số 105 là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Dự kiến Hồ sơ này sẽ được Chính phủ trình lên Chủ tịch nước để trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4/2020 và trình Quốc hội vào tháng 5/2020.
Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Tính đến ngày 19/02/2020, trên thế giới đã có 173 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cưỡng bức lao động và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này.
Ths Nguyễn Thị Ngọc Yến, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Cưỡng bức lao động xâm phạm quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động. Cưỡng bức lao động trong nhiều trường hợp trực tiếp xâm phạm tới nhân phẩm, các quyền tự do thân thể của người lao động.
Cưỡng bức lao động bóc lột sức lao động của người bị cưỡng bức. Khi tồn tại tình trạng cưỡng bức lao động, người sử dụng lao động không tôn trọng và không tính tới quyền lợi chính đáng của người lao động, bóc lột sức lao động của người bị cưỡng bức. Cưỡng bức lao động vì thế là một trong những biểu hiện của sự bất công.
Cưỡng bức lao động không khuyến khích được tính tích cực, sáng tạo của người lao động. Người lao động phải làm việc khi bị ép buộc nên họ thụ động, tâm lý bị đè nén, khó phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong công việc. Chính vì thế, duy trì tình trạng cưỡng bức lao động làm giảm năng suất lao động, không có lợi cho sự phát triển chung của xã hội.
Cũng theo Ths Nguyễn Thị Ngọc Yến, hiện nay, ở nhiều nơi, nhất là ở các thị trường phát triển như Châu Âu, Bắc Mỹ..., các nhà nhập khẩu đều không chấp nhận những sản phẩm do lao động cưỡng bức làm ra. Người dân ở các quốc gia phát triển cũng có thói quen tẩy chay các loại hàng hóa có liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức.
Chính vì thế, việc phòng, chống các hành vi cưỡng bức lao động khuyến khích doanh nghiệp không thực hiện các hành vi cưỡng bức lao động, góp phần giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị cấm nhập hoặc bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó. Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ cũng được coi là một thành phần của “giấy thông hành” của hàng hóa, dịch vụ ấy khi tiếp cận thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.
Về chính trị, khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Việc gia nhập Công ước số 105 cũng tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên tham gia Hiệp định tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản; đồng thời yêu cầu các bên thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO.
Hiệp định CPTPP yêu cầu các nước thành viên cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.
Ngày 24/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, trong đó có đưa ra lộ trình gia nhập Công ước số 105 vào năm 2020.
Về pháp lý, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cưỡng bức lao động và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này (Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người...). Đây là những tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước số 105. Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lao động cưỡng bức tại Việt Nam.
Về kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản về xóa bỏ lao động cưỡng bức quy định trong Công ước số 105 thể hiện giá trị tiến bộ của nhân loại về lao động. Việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105 sẽ góp phần ngăn chặn các nguy cơ cưỡng bức lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp cho môi trường lao động ổn định, hài hòa, thông qua đó tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU và Hoa Kỳ, từ đó giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và đảm bảo công bằng xã hội tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Công bằng xã hội chính là một trong các yếu tố quan trọng góp phần ổn định chính trị, an ninh và xã hội.
Qua rà soát nghiên cứu cho thấy các quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của Công ước số 105. Vì vậy, không có đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước này. Tuy nhiên, để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước trên thực tiễn sau khi gia nhập, Việt Nam cần tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 105 tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống, xóa bỏ lao động cưỡng bức. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105. Định kỳ hoặc theo yêu cầu báo cáo Tổ chức ILO về việc triển khai thực hiện Công ước số 105. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện Công ước số 105. Đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện Công ước số 105 trong giai đoạn 5 năm đầu sau khi gia nhập Công ước, rút kinh nghiệm và bổ sung giải pháp để triển khai có hiệu quả Công ước số 105 tại Việt Nam./.