Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Sau khi Nghị quyết này ban hành, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được phân bổ nguồn vốn 250 tỷ đồng phục vụ nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Hiện nay, chi nhánh đang tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành cho vay.

 Nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm tạo cơ hội phát triển kinh tế cho người dân
 

Sau khi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chị Nguyễn Thị Hồng Loan - Chủ cơ sở sản xuất mỳ sợi ở thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền đã đầu tư, mua sắm, sửa chữa máy móc, trang thiết bị để phục hồi sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 7 lao động tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Chủ cơ sở kinh doanh ăn uống ở phường Thủy Biều, TP Huế là một trong những trường hợp đầu tiên được vay vốn từ nguồn bổ sung và đã được NHCSXH  giải ngân 100 triệu đồng vào ngày 10/11. Bà Hạnh cho biết sẽ đầu tư thêm một số hạ tầng thiết yếu, thiết kế thêm các điểm check in cho khách hàng khi đến quán để hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách được phân bổ, đảm bảo thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, đảm bảo tất cả các trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn, trên cơ sở chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ngân hàng Chính sách đã tập trung phối hợp với Sở Lao động Thương binh & Xã hội, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Theo Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đầu năm 2023, Sở đã trình UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay năm 2023 (bố trí 10 tỷ đồng để cho vay với mục đích tạo việc làm ở trong nước và 10 tỷ đồng để cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Bên cạnh đó, phân bổ số tiền lãi thu được từ cho vay Quỹ Quốc gia về việc làm để bổ sung nguồn vốn giải quyết việc làm cho các địa phương; đề xuất bổ sung nguồn vốn ủy thác ngân sách tỉnh hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết: Trong thời gian qua, chi nhánh đã thường xuyên chỉ đạo các Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, thôn trưởng, Tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt nhu cầu thực tế tại địa phương, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tượng được thụ hưởng được tiếp cận vốn một cách nhanh nhất.

Nguồn vốn ưu đãi giúp người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, giải quyết việc làm phát triển
mô hình sinh kế, ổn định đời sống

Bên cạnh đó, chi nhánh còn chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu lãi, thu hồi nợ đến hạn phân kỳ đảm bảo không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Hầu hết hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn.

Đến ngày 28/11/2023, dư nợ của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm toàn tỉnh là 783.036 triệu đồng, với 17.578 khách hàng vay vốn còn dư nợ, trong đó, dư nợ cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với số tiền là 350,7 tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2023, doanh số cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 420,4 tỷ đồng, với 7.446 lượt lao động vay vốn.

Đánh giá về nguồn vốn bổ sung theo Nghị quyết số 181/NQ-CP, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết: Nguồn vốn sẽ góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động, qua đó góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vũng, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt khi các xã, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo và các đối tượng chính sách sẽ giảm dần cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội thu hẹp. Khi đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm sẽ là chương trình quan trọng nhằm giữ chân người lao động tại địa phương để tự phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tại địa phương mình. Nguồn vốn đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là chính sách thiết thực, ý nghĩa của Đảng, Nhà nước giúp người dân có thêm động lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống./.

CTV