Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 415 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 2.750 tỷ đồng, số doanh nghiệp hoạt động trở lại 210, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 383, giải thể 60 doanh nghiệp.

  Người lao động làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ
việc làm Thừa Thiên Huế


Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 5.400 người, phần lớn do chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn…Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế, số lao động bị cắt giảm trong thời gian qua ước tính khoảng hơn 2.200 lao động, với 16 doanh nghiệp.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tình trạng cắt giảm lao động hiện tại trên địa bàn  tập trung ở những lĩnh vực may mặc, da giày, chế biến gỗ tuy nhiên vẫn trong khả năng kiểm soát.

Số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, từ đầu năm đến nay, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn là 5.766 người, trong đó nghỉ việc phần lớn do chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và do hết hạn hợp đồng lao động.

Việc Trung tâm Dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế riển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động, công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho lao động bị mất việc làm. 6 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 5.416 người, với kinh phí hơn 94 tỷ đồng và hơn 2,4 tỷ đồng hỗ trợ học nghề.

Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh hơn việc thông tin, dự báo nhu cầu của thị trường lao động, cả ngắn hạn và dài.

Đặc biệt, đưa ra các giải pháp mở rộng thị trường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, rà soát tình hình sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Quan tâm công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu mở thêm các nghề đào tạo mới theo xu hướng của thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động nói chung và lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp nói riêng có cơ hội tham gia các khoá đào tạo nghề phù hợp để chuyển đổi nghề nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định hưởng
bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 5.400 người

Tỉnh cũng sẽ triển khai hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các tiểu đề án liên quan, nhất là đề án thành lập trường cao đẳng nghề chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế…

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến nguồn cung lao động 6 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh tăng từ 20 – 30% so với 6 tháng đầu năm, do một lượng lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lao động có trình độ.

Kinh tế tỉnh tiếp tục ổn định và tăng trưởng sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, tạo động lực cho thị trường lao động được mở rộng sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp 6 tháng cuối năm tăng 20% so với nửa đầu năm 2023, tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, kinh doanh, marketting, bán hàng, may mặc...

Trong quý 4/2023, do nhu cầu tập trung hoàn thành kế hoạch năm và lễ Tết nên các doanh nghiệp tuyển dụng lao động công việc ổn định và nhu cầu việc làm về thời vụ, bán thời gian, chú trọng lao động có trình độ, tay nghề.

 

PV