Các hộ dân đầu từ vào chăn nuôi từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. 


Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách được phân bổ, đảm bảo thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, đảm bảo tất cả các trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn, trên cơ sở chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, NHCSXH đã tập trung phối hợp với Sở Lao động Thương binh & Xã hội, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Do tác động của dịch COVID-19, nhiều chủ hộ sản xuất kinh doanh, người lao động tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp rất nhiều khó khăn để duy trì công việc, thu nhập bảo đảm đời sống. Do đó, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11, trong đó có thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời triển khai, qua đó giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Anh Tuấn cho biết, nhằm kịp thời triển khai Nghị quyết số 11 và chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH, chi nhánh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách; các văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 11 và văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Đơn vị đã phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh, các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương chỉ đạo, thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã tuyên truyền, rà soát các đối tượng đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn được tiếp cận kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Sau khi các chính sách tín dụng hỗ trợ được triển khai thực hiện nhiều lao động sau khi mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có cơ hội phát triển và tạo việc làm, nhiều học sinh sinh viên hoàn cảnh khó khăn có điều kiện hơn trong học tập, nhiều cơ sở giáo dục mầm non có cơ hội được tiếp sức hoạt động...

Nhờ vốn vay, nhiều trường hợp hộ gia đình đang dần hoàn thiện căn nhà mơ ước


Thời gian qua, NHCSXH cấp tỉnh, huyện phối hợp MTTQ Việt Nam tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11 và  Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đến các cấp, ngành và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Tổng nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 11 mà chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế được giao năm 2022 là 259,670 tỷ đồng và đơn vị đã triển khai giải ngân kể từ ngày 27/4/2022. Tính đến ngày 26/10/2022, chi nhánh đã thực hiện giải ngân được 218,8 tỷ đồng cho 3.893 khách hàng vay vốn, hoàn thành 84,2% kế hoạch được giao. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc, duy trì và mở rộng việc làm là 100 tỷ đồng, góp phần giải quyết tạo việc làm cho 2.000 lao động; cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến 15,5 tỷ đồng để mua 1.550 máy tính và thiết bị học trực tuyến; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội là 99,5 tỷ đồng, với 245 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 720 triệu đồng, với 9 cơ sở được hỗ trợ; cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là 2,92 tỷ đồng, hỗ trợ làm nhà ở cho 73 hộ đồng bào DTTS.

Nhờ vốn vay, nhiều trường hợp hộ gia đình đang dần hoàn thiện căn nhà mơ ước, nhiều học sinh, sinh viên đã có máy tính là niềm mơ ước bấy lâu, nhiều hộ gia đình đã mở rộng được chuồng trại chăn nuôi, đầu tư phát triển quy mô đàn gia súc, gia cầm, để trong tương lai không xa, nguồn thu nhập từ bán sản phẩm sẽ mang lại cuộc sống được thoải mái hơn, ấm no hơn. Điển hình như hộ gia đình anh Đặng Ngọc Minh, trú tại tổ dân phố Giáp Tư, phường Hương Văn, hiện làm việc tại công ty may Scavi, với thông tin nắm được và mức vốn tự có không đủ để xây nhà, anh đã liên hệ NHCSXH để vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi xây dựng nhà ở, hiện ngôi nhà đã dần dần hoàn thiện, và niềm vui khôn tả cho cả gia đình khi sắp dọn vào ngôi nhà mới khang trang. Hay như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, trú tại tổ dân phố Thanh Lương 3, phường Hương Xuân, do khó khăn nên đã đề nghị và được vay vốn để mua máy tính cho con đang học đại học, nhờ đó ngoài phục vụ cho việc học trực tuyến, còn có thể phục vụ cho nhiều mục đích học tập khác.

Có thể nói, với việc tỉnh Thừa Thiên Huế kịp thời triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong thời gian tới, việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, nhiều hộ gia đình sẽ được tiếp cận nguồn vốn để thực hiện nhiều phương án cải thiện nâng cao thu nhập, là hướng đi bền vững để thoát khỏi cảnh nghèo khó, đặc biệt là sau thời gian dài hơn 02 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều gia đình sẽ hoàn thiện căn nhà mơ ước để “an cư lạc nghiệp” như ông cha thường nói, nhiều em học sinh, sinh viên có được điều kiện thực hiện ước mơ trên con đường học vấn để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước./.

PV (TH)