Những năm qua, ngoài việc tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN theo phương châm 3 đúng: “Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú như: thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng; treo pano, phát tờ rơi; hội nghị, hội thảo; lồng ghép các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động tại các địa phương; phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn về chính sách BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động để giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình… Qua đó, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận và củng cố niềm tin của người lao động vào các chính sách BHTN và tích cực tham gia BHTN.

Đặc biệt, xác định chính sách bảo hiểm thất nghiệp có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động nên Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa chuẩn bị tốt về nhân sự, cơ sở vật chất, làm tốt việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nên việc đăng ký, tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ cho NLĐ trên địa bàn luôn đảm bảo đúng quy định pháp luật, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Người lao động đến Trung tâm làm thủ tục hưởng BHTN
Theo ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa thì đa phần người lao động sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ BHTN. Nhất là trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm lao động. Trước thực trạng người lao động bị mất việc làm tăng mạnh, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Từ đầu năm 2022 đến nay, trung tâm đã hoàn tất thủ tục, trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định hưởng trợ cấp BHTN cho hơn 20 nghìn lao động theo đúng quy định, tổ chức được 5 ngày hội việc làm lớn và hơn 30 ngày hội tư vấn việc làm cho người lao động tại trung tâm.

 Ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa

Với anh Nguyễn Văn Trường, ở huyện Triệu Sơn, có thời gian làm việc và đóng BHTN tại một Công ty Giày da ở TP.Thanh Hóa. Do đường xá đi lại xa xôi cộng với việc bố mẹ tuổi cao, đau ốm, nhà lại neo người nên anh đã xin nghỉ việc trở về huyện tìm một công việc mới phù hợp để tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ. Số tiền trợ cấp thất nghiệp tuy không lớn nhưng đối với anh Trường vô cùng quý giá. Bởi trong thời gian chưa có việc làm đồng nghĩa với không có thu nhập, nhưng anh vẫn phải mua thuốc chữa trị bệnh cho người thân.

Do có con nhỏ đang phải gửi ông bà ở quê chăm sóc, trong khi công việc đang làm rất vất vả vì phải đi theo công trình mà sức khỏe lại không bảo đảm. Vì vậy, chị Lê Thị Yến, ở huyện Quảng Xương đã xin nghỉ làm để trở về quê tìm công việc mới gần nhà. Chị Yến cho biết: Tính đến khi nghỉ việc tôi đóng BHTN được 72 tháng. Nhờ chính sách BHTN đã giúp tôi có tiền trang trải cuộc sống gia đình, cũng như có cơ hội quay trở lại thị trường lao động nhanh hơn. Bởi khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi được cán bộ trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm mới, được hỗ trợ học nghề và còn được hưởng quyền lợi BHYT.

Người lao động đến Trung tâm được cán bộ tư vấn nhiệt tình

Có thể nói, trong bối cảnh việc làm là bài toán khó giải, công tác giải quyết việc làm là trách nhiệm không của riêng ai thì những nỗ lực và thành quả mà Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đạt được thực sự đã tạo niềm tin cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

PV