Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngay khi nhận được nguồn vốn từ Trung ương phân bổ về, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai cho vay nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân có nguồn vốn phục hồi, phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập. Tính đến ngày 30/9/2022, chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại tỉnh Thanh Hóa, dư nợ đạt 945,4 tỷ đồng, với 15.033 khách hàng đang vay vốn. Trong 9 tháng đầu năm 2022 doanh số cho vay đạt 439,9 tỷ đồng, với 5.874 khách hàng được vay vốn, bình quân mỗi khách hàng được vay 75 triệu đồng, trong đó doanh số cho vay theo Nghị quyết số 11 đạt 150 tỷ đồng, với 1.912 khách hàng vay vốn; thực hiện cho vay 1.222 người lao động trở về từ vùng dịch theo Phương án 198/PA-UBND, số tiền 94,8 tỷ đồng. Với nguồn vốn cho vay này đã giúp 7.977 lao động có việc làm, thu nhập ổn định; trong đó có 17 lao động là người khuyết tật, 84 lao động là người dân tộc thiểu số...
Triển khai cho vay nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân có nguồn vốn phục hồi, phát triển sản xuất
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và quán triệt đến toàn thể cán bộ, viên chức trong đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc việc cho vay bảo đảm đúng đối tượng, điều kiện và mục đích vay vốn theo quy định.
Chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thực hiện rà soát các đối tượng, nhu cầu vốn vay để giải ngân kịp thời. Bên cạnh đó, đơn vị cũng quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.
Cùng với đó, để đảm bảo nguồn vốn cho vay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với ban ngành đoàn thể các cấp rà soát nhu cầu vay vốn của lao động trên địa bàn theo các đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các đối tượng được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Theo đó, quan tâm đến đối tượng là người lao động từ các khu, cụm công nghiệp, các tỉnh, thành phố do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã trở về địa phương sinh sống có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, duy trì, ổn định cuộc sống.
Chúng tôi đi thăm mô hình trồng Dưa vàng "Kim Hoàng Hậu" của khàng hàng Lê Văn Xuân; có địa chỉ tại tiểu khu 2, thị trấn Thịệu Hóa , huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình anh hiện đang vay vốn của NHCSXH huyện Thiệu Hóa từ tháng 12 năm 2019 với số tiền 70 triệu đồng, sau khi được tiếp cận với nguồn vốn vay anh Xuân rất phấn khởi vì việc mô hình trồng dưa vàng của gia đình được thuận lợi hơn và đã tạo việc làm cho 01 lao đồng; thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm/ lao động.
Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ dân có điều kiện đầu tư sản xuất
Có thể khẳng định, chính sách ưu đãi từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là nguồn vốn rất quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội trước bối cảnh nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 suốt hơn 2 năm qua.