Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội - Lê Đình Tùng cho biết: Trung tâm Dịch vụ việc làm là đơn vị trực thuộc Sở, thực hiện chương trình công tác hàng năm, Trung tâm có vai trò, trách nhiệm phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn để tổ chức, thống kê, nắm bắt tình hình về lao động, cung cầu lao động. Trên cơ sở đó tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Mỗi tuần tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 02 phiên giao dịch, tạo điều kiện cho người lao động đến tìm kiếm việc làm. Ngoài ra Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, các buổi tham vấn, tư vấn, cho người lao động để cung cấp các thông tin về thị trường lao động trong nước cũng như ngoài nước để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân. Công tác đào tạo nghề, việc phối hợp giữa các doanh nghiệp, các trường nghề. Trung tâm giới thiệu việc làm tới các địa phương với các địa phương là việc hết sức cần thiết, vì vậy trong thời gian vừa qua Sở đã chỉ đạo Trung tâm đảm nhiệm tốt việc này, tạo điều kiện là cầu nối cho người lao động tìm kiếm việc làm.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Thanh Hóa - Lê Đình Tùng
Thanh Hóa là một tỉnh có dân số đông, nguồn cung lao động nhiều hơn là cầu. Trong thời gian vừa qua, với chính sách phát triển các khu công nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về sản xuất – kinh doanh để sử dụng nguồn nhân lực tỉnh. Sau khi dịch Covid-19 xảy ra trên địa phương và cả nước thì số lao động đi làm ở các tỉnh trở về địa phương tương đối nhiều. Số lượng lao động cho đến nay là trên 200 nghìn người, đã tạo ra áp lực về việc giải quyết việc làm. Với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động sau khi quay trở lại làm việc. Với việc triển khai các giải pháp trong đó đặc biệt quan tâm đến việc thống kê nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thống kê nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm của người lao động để phân loại, từ đó phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm để giới thiệu việc làm.
Đặc biệt thời gian vừa qua đã tập trung phối hợp với các doanh nghiệp về địa phương để tư vấn, tổ chức các hội nghị để cung cấp thông tin cho người lao động tìm kiếm việc làm. Qua đó, cũng chuẩn bị cho lực lượng đi làm việc ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Theo như khảo sát thì số lao động trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch covid -19 đặc biệt quan tâm đến xuất khẩu lao động. Trên địa bàn tỉnh hiện nay cần có khoảng 35 nghìn lao động cần tuyển, đây cũng là cơ hội để người lao động có cơ hội được làm việc tại địa phương, sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra tỉnh đã chỉ đạo phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các phiên giao dịch kết nối các tỉnh với nhau và hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động để sớm quay trở lại nơi làm trước đây khi tình hình dịch covid 19 được kiểm soát.
Trung tâm là cầu nối cho người lao động tìm kiếm việc làm
Theo ông Nguyễn Xuân Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thanh Hóa: Tính đến hết ngày 19/11/2021, đơn vị đã tiến hành khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động và tình hình biến động lao động tại 2.059 lượt doanh nghiệp (trong đó: 1.909 lượt doanh nghiệp trong tỉnh, 150 lượt doanh nghiệp ngoài tỉnh) với nhu cầu tuyển dụng lao động 70.060 người. Ước tính hết năm 2021 đạt 2.360 lượt doanh nghiệp (2.200 lượt doanh nghiệp trong tỉnh, 160 lượt doanh nghiệp ngoài tỉnh), với nhu cầu tuyển dụng lao động dự kiến trong năm 2021 là 78.500 lượt người. Kết quả thu thập thông tin thị trường lao động là cơ sở để xây dựng dữ liệu về thị trường lao động và thực hiện công tác phân tích, dự báo cung cầu lao động trong ngắn hạn và trung hạn. Đã xây dựng 03 bản tin thị trường lao động, 03 bản tin hình thị trường lao động và 02 bản tin bảo hiểm thất nghiệp trong các quý I, II, III/2021. Tiếp tục tiến hành xây dựng Bản tin thị trường lao động, Bản tin hình thị trường lao động, Bản tin bảo hiểm thất nghiệp quý IV/2021 và dự báo một số chỉ tiêu thị trường lao động quý I/2022. Hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động không ngừng được đẩy mạnh, đã có khoảng 107.360 lượt người lao động được tiếp nhận thông tin về vị trí việc làm, hướng nghiệp và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng (tăng 16,69 % so với kế hoạch đề ra).Tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các Trung tâm Dịch vụ việc làm 06 tỉnh khu vực phía Bắc, với 30 doanh nghiệp tham gia. Kết quả, đã kết nối được việc làm cho 373 lao động trong và ngoài tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác điều tra cung lao động tại 27 đơn vị huyện, thị xã, thành phố đúng tiến độ và yêu cầu về chất lượng. Tiến hành rà soát và cập nhật dữ liệu cung lao động trên hệ thống phần mềm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Kết quả điều tra cung lao động và xây dựng các báo cáo thị trường ngắn hạn và trung hạn, nhằm góp phần tham mưu cho Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xây dựng và hoạch định các giải pháp về giải quyết việc làm, đào tạo nghề trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Xuân Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thanh Hóa
trao đổi với Phóng viên
Trung tâm đã tư vấn việc làm, tư vấn pháp luật lao động cho 62.495 lượt người, trong đó bao gồm: Tư vấn tập trung tại đơn vị; tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng nghề tại cộng đồng; kết nối dịch vụ thành công cho 5.761 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động (giảm 20,88 % so với năm 2020). Với mục tiêu đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo, tìm được nghề học phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; ngoài việc tư vấn tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm, các văn phòng đại diện, Trung tâm đã tổ chức các Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp, tuyển dụng lao động tại các địa phương trong tỉnh. Phối hợp với Phòng Lao động – TBXH các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Xuân và các doanh nghiệp tổ chức 30 Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng nghề tại cộng đồng (trong đó có 08 Hội nghị Tư vấn - Giới thiệu việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi hoàn thành xong việc cách ly), kết quả: Số lượt người được thông tin thị trường lao động và tư vấn, giới thiệu việc làm: 2.162 lượt người, số lao động được doanh nghiệp tiếp nhận thông tin và hẹn đến phỏng vấn: 147 người, số lao động được tuyển dụng sau hội nghị: 53 người.
62.495 lượt người được Trung tâm tư vấn việc làm, tư vấn pháp luật lao động
Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 45 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm và 06 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trong tỉnh. Kết quả: Tổng số lượt đơn vị đến tham gia Phiên GDVL: 428 lượt đơn vị. Kết nối việc làm thành công cho 3.461 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động. Trong đó: Lao động đăng ký đi làm việc trong nước: 2.729 người; Lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài: 358 người; Lao động đăng ký học nghề: 374 người. Với vai trò kết nối doanh nghiệp và người lao động, các phiên giao dịch việc làm ngày càng phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Qua đó, đã mở ra cơ hội giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, các doanh nghiệp cũng tuyển dụng được nguồn nhân lực có tay nghề.
Năm 2021 đã phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các công ty tư vấn du học tổ chức tư vấn, giới thiệu cho 5.178 người lao động về các thị trường lao động có mức lương cao và công việc ổn định như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài loan, Malaysia… (Trong đó: Tư vấn tại cộng đồng: 2.961 lượt người, tư vấn trực tiếp tại Trung tâm: 1.754 lượt người, tư vấn qua điện thoại: 463 lượt người).Tư vấn hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và hướng dẫn người lao động làm thủ tục học nghề theo quy định. Tiếp nhận 1.733 hồ sơ dự thi Tiếng Hàn đợt 1 và tiếp tục triển khai kế hoạch tiếp nhận hồ sơ đăng ký đợt 2.
“Trong thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc làm, nhu cầu tìm kiếm việc làm, giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh” – Ông Vinh cho hay./.