(ĐCSVN) – Thành phố Hải Phòng xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược phát triển. Trong đó, đào tạo nhân lực có tay nghề cao có vai trò quan trọng để xây dựng Hải Phòng là thành phố công nghiệp, dịch vụ, đô thị loại I trung tâm cấp quốc gia, một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc, một trọng điểm phát triển kinh tế biển - đảo.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố đã giải quyết việc làm cho 28.100 lượt lao động, bằng 51,28% kế hoạch năm và bằng 100,36% so với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ tính riêng tháng 6, sàn giao dịch việc làm thành phố đã tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia tuyển dụng của 139 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 5.675 lượt lao động; ước cấp mới 55 giấy phép lao động, cấp lại 45 giấy phép lao động, miễn cấp 20 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn, thẩm định và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 10 doanh nghiệp.
Tính từ đầu năm, thành phố Hải Phòng đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 603 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 26.804 lượt lao động; cung lao động tại sàn đạt 40.663 lượt người, gấp trên 1,51 lần nhu cầu tuyển dụng; đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là 7.124 người (giảm 6,75% so với cùng kỳ), đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 6.901 người, với kinh phí hơn 118 tỷ đồng (tăng 23,11% so với cùng kỳ). Ước tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội là 35%, tăng 13,27% so với cùng kỳ.
Một lớp dạy và học sửa chữa ô tô. Ảnh: TT
Theo ông Đào Khánh Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, Hải Phòng đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao" với những giải pháp chủ động, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng việc gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao với quy hoạch phát triển kinh tế của thành phố; thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh và mạnh công nghiệp và dịch vụ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Thành phố đã chủ động xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với từng lĩnh vực trong khung pháp lý chung của Nhà nước; khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đào tạo, đầu tư kinh doanh, tạo nhiều ngành nghề mới, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành có hàm lượng công nghệ cao, xem đây là một trong những ưu đãi để thu hút đầu tư. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp. Giáo dục nghề nghiệp đã dịch chuyển theo hướng gắn với thị trường lao động, dần đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, từng bước phù hợp với sự phát triển các nghề nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…
Cũng theo ông Hà, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ nội dung và chương trình đào tạo; phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng, giáo trình theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tích hợp kỹ năng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề. Trong 5 năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tổ chức xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo thời gian thực hành chiếm từ 60% đến 70%. Trang thiết bị phục vụ thực hành cho người học được quan tâm đầu tư; công tác đánh giá và công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định, một số ngành, nghề liên kết có sự tham gia đánh giá của các tổ chức sử dụng lao động.
Ngoài ra, theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, do số lượng doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng tăng nên nhu cầu lao động các khu vực này liên tục tăng nhanh với mức tăng bình quân 15,7%.
Hiện các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng có 288 doanh nghiệp với 122.300 lao động (lao động Việt Nam là 119.745 người; lao động nước ngoài 2.555 người, lao động trong doanh nghiệp FDI là 101.783 người, trong doanh nghiệp trong nước là 17.962 người). Tổng thu nhập bình quân của người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế là 8,1 triệu đồng/người/tháng. Dự báo đến năm 2020, số lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế là 135.000 người, năm 2025 là 200.000 người, năm 2030 là 250.000 người.
Sở LĐTBXH thành phố Hải Phòng nhận định, tình hình lao động việc làm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, số lượng việc làm gia tăng. Sàn giao dịch việc làm và hệ thống thông tin điện tử về nhu cầu tuyển dụng phát huy tốt vai trò kết nối cung - cầu trên thị trường lao động của thành phố, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng được cải thiện. Với nhu cầu lao động ngày càng tăng, trong khi nguồn lao động ngày càng khan hiếm, nguy cơ mất cân đối về cung - cầu lao động trong những năm tới là điều khó tránh khỏi.
Hiện nay, không chỉ Hải Phòng, mà nhiều địa phương khác đều chung một tình trạng là thiếu trầm trọng lao động phổ thông và lao động chất lượng cao. Đây vừa là điểm bất lợi nhưng cũng là điều tích cực. Vì như vậy, người lao động sẽ có điều kiện cải thiện cuộc sống của mình. Xu hướng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế tăng nhanh đã nhìn thấy rõ. Người lao động cần việc làm rất nhiều. Vì vậy, ngoài các giải pháp về đào tạo thì các biện pháp kết nối cung cầu việc làm, trong đó có hình thức hội chợ việc làm cần được tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn, để góp phần giải bài toán lao động vốn được dự báo là sẽ khá nan giải trong những năm tới khi Hải Phòng phát triển với tốc độ nhanh và bứt phá mạnh mẽ.
Sở LĐTBXH thành phố Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là địa phương có lực lượng lao động lớn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra trong công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề của Hải Phòng là nâng cao chất lượng lao động. Bên cạnh đó, hiện các lớp học nghề chủ yếu phục vụ giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng trên, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu tuyển dụng; tổ chức xây dựng kế hoạch và cập nhật thông tin biến động cung lao động, khai thác hiệu quả cao cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động; định hướng lao động học nghề doanh nghiệp cần. Đồng thời, tiếp tục kết nối, phối hợp của các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí học nghề cho người lao động, các trường nghề tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học... để có nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng./.