Tham dự hội thảo có đại diện các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, tổ chức phi chính phủ, tổ chức của người khuyết tật và đông đảo người khuyết tật trên địa bàn.


Ông Thái Đình Hoàng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH phát biểu tại buổi hội thảo.
Ảnh: Diệu Huyền


Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp giúp tăng các cơ hội tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật; tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chia sẻ, lắng nghe, đề xuất các ý kiến đóng góp trong vấn đề đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn để cùng thành phố làm tốt hơn công tác giải quyết việc làm cho người khuyết tật; góp phần vào việc giải quyết an sinh xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau thảo luận, chia sẻ ý kiến về các văn bản, chính sách pháp luật của Nhà nước, của thành phố Đà Nẵng về công tác hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật có cơ hội được làm việc.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, đào tạo nghề, tạo việc làm và các cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Những kiến nghị, đề xuất như: Nguồn kinh phí của Nhà nước thường chỉ hỗ trợ cho học nghề tại các trung tâm đào tạo, nhưng thực tế việc học tại các doanh nghiệp theo hình thức cầm tay chỉ việc lại phù hợp hơn với người khuyết tật nên khi người khuyết tật học tại doanh nghiệp thì cũng cần được hỗ trợ kinh phí; có nguồn kinh phí hỗ trợ trang thiết bị để người khuyết tật tự sản xuất kinh doanh cũng là một cách tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhiều đại biểu cho rằng cần linh hoạt hơn về thời gian đào tạo và loại hình nghề cho người khuyết tật; hỗ trợ các kỹ năng mềm; tạo cơ hội cho người khuyết tật được thử việc, cải tạo cơ sở vật chất giúp người khuyết tật tiếp cận dễ dàng hơn với công việc…

Phát biểu tại hội thảo, ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ đồng hành cùng Hội Người khuyết tật tăng cường cho công tác trợ giúp và giáo dục đào tạo nghề cho người khuyết tật trong thời gian tới; đẩy mạnh các chương trình giáo dục chính quy và phi chính quy phù hợp để giúp người khuyết tật có thể hội nhập xã hội...

Bà Đặng Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Đà Nẵng cho biết: hiện có gần 14 ngàn người khuyết tật, trong đó có hơn 11 ngàn người khuyết tật nặng, 2 ngàn người khuyết tật đặc biệt nặng và hơn 600 người khuyết tật nhẹ. Trong thời gian qua, thành phố đã có những chính sách hỗ trợ người khuyết tật giúp họ vượt khó vươn lên trong cuộc sống như: Cho người khuyết tật vay vốn với lãi suất thấp, hướng nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, được có việc làm, được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của người khuyết tật theo Luật người khuyết tật Việt Nam và Công ước về Quyền của người khuyết tật. Bà Đặng Hương Giang mong muốn thời gian tới cơ quan ban ngành quan tâm hơn nữa và tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí học nghề tại doanh nghiệp, cơ sở./.

Phương Thanh