Nhiều người dân tiếp cận được nguồn vốn vay
Đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm theo Nghị định 74 là là 1 trong 5 chương trình tín dụng chính sách để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Từ trước đến nay, gia đình anh Nguyễn Chí Phúc, thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa, sống chủ yếu bằng nghề trồng cây cảnh. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, gia đình anh Phúc phải ngừng việc do không bán được hàng hóa. Vào tháng 3/2021, gia đình anh được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. 
Từ nguồn vốn vay này, anh Phúc mua  khoảng 500 cây quất, cây  mai và bon sai về trồng, chăm sóc. Anh Phúc cho biết, sau 1 năm chăm sóc, mùa tết năm 2022, gia đình anh thu nhập khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí phân, thuốc, thuê nhân công tầm 170 triệu đồng, còn lãi khoảng 80 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, vợ anh  bán quán cà phê, nước giải khát; lúc rảnh rỗi anh đi mua cá biển về bán. Nhờ đó cuộc sống gia đình anh cũng đủ trang trải chị phí và nuôi con ăn học đàng hoàng. 
Chị Phan Thị Tính cùng thôn với anh Phúc, được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ vào tháng 3/2022. Chị Tính cho biết, với số tiền được vay, chị mua giống đầu tư trồng 1.200 cây quất. Tuy chưa tới mùa tết nhưng các chủ buôn đã đến đặt hàng. Theo ước tính của chị, tết này chị thu về khoảng 420 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng còn lãi khoảng 220 triệu đồng.  

Nhiều hộ dân Phú Yên được tiếp cận nguồn vốn chính sách để đẩy mạnh sản xuất (Hình minh họa)

Cần tăng nguồn vốn vay để tạo việc làm cho người dân
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên, thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm đã giúp một số làng nghề truyền thống như: Đan lát, bánh tráng, bó chổi, làm bún, trồng cây cảnh... có điều kiện khôi phục và duy trì, nguồn vốn phát huy hiệu quả. Trong năm 2022, chi nhánh đã cho vay hơn 8.000 dự án tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động (trong đó, lao động nữ là 4.561 lao động; lao động là người khuyết tật 40 lao động; lao động là người dân tộc thiểu số 71 lao động). 

Người dân Phú Yên tiếp cận nguồn vốn vay thông qua hệ thống Ngân hàng CSXH 

Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. 
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Phú Yên cho biết, trong năm 2022, tổng nguồn vốn phân bổ là 219 tỷ đồng. Doanh số cho vay 10 tháng năm 2022 là 325 tỷ đồng với 7.280 lượt người lao động (mức cho vay bình quân 45 triệu đồng/lao động); doanh số thu nợ 123 tỷ đồng.
Dự kiến cho vay năm 2022 là 358 tỷ đồng, với 8.019 lượt người lao động (mức cho vay bình quân 45 triệu đồng/lao động); doanh số thu nợ 139 tỷ đồng. Dư nợ đến 31/12/2022 là 556 tỷ đồng, với 14.550 người lao động còn dư nợ, tăng 219 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó: Dư nợ nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm Trung ương và nguồn vốn NHCSXH huy động là 265 tỷ đồng, với 7.032 người lao động, tăng 75 tỷ đồng so với đầu năm. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hồ Văn Thục cho biết thêm, nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm những năm qua còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nhân dân, đặc biệt các hộ có thu nhập trung bình, hộ khó khăn kinh tế, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ... nguồn vốn bổ sung và nguồn vốn thu hồi hàng năm chưa đáp ứng được.  Qua các đợt kiểm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri ... chính quyền địa phương đều kiến nghị tăng cường nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm./.



CTV