Tiếp cận đúng đối tượng cần vay vốn

Do hoàn cảnh khó khăn, vào năm 2014, gia đình bà Hoàng Thị Dung (tổ dân phố 5, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã) đã đầu tư để thuê đất để trồng nhãn. Tuy nhiên, thời điểm đó, do thiếu nguồn vốn và kinh nghiệm, năng uất hiệu quả trồng nhãn chưa cao.

Năm 2021, gia đình bà Dung đã được vay vốn theo chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Sông Mã để phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất. Với số vốn được vay là 50 triệu đồng, gia đình bà đã tập trung đầu tư, mở rộng, phát triển trồng 200 gốc nhãn ghép.

Bà Dung chia sẻ, 200 gốc nhãn ghép của gia đình hiện đã ra quả, dự kiến trong năm tiếp theo, thu nhập từ vườn nhãn sẽ đạt hàng trăm triệu đồng, nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng nâng lên, cuộc sống không còn khó khăn như trước.

Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã có ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh giống cây nông, lâm nghiệp và dịch vụ chế biến nông, lâm sản.

Tháng 4/2020, công ty được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Sông Mã tạo điều kiện vay 800 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư làm hệ thống nhà lưới với diện tích 5.000 m2 tại xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã và mua cây nho Hạ đen về trồng.

Ông Trần Ngọc Vượng, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã cho biết, sau 7 tháng trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây nho đã cho thu hoạch và được người tiêu dùng đón nhận; doanh thu của công ty ngày càng tăng lên. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 lao động địa phương.

 Gia đình bà Hoàng Thị Dung được vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Sông Mã để phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất. (Ảnh: Quang Quyết)

Góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động

Ông Nguyễn Thế Chung, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Sông Mã cho biết, ngay sau khi Chính phủ  ban hành Nghị định 74 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61 ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đơn vị đã chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã, thị trấn tuyên truyền đến các Tổ tiết kiệm và vay vốn để thông tin đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đồng thời, đơn vị cũng đã phối hợp với địa phương rà soát nhu cầu vốn của người dân để đề xuất Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh bổ sung thêm nguồn vốn. Theo thống kê, đến hết tháng 9/2021, tổng dư nợ chương trình vốn vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Sơn La là hơn 85 tỷ đồng, với trên 1.760 khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất.

Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Sơn La chia sẻ, xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, Ngân hàng đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến tất cả các điểm giao dịch xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

 

 Công nhân Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã đang chăm sóc cây nho Hạ đen. (Ảnh: Quang Quyết)

“Thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, góp phần phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực” - ông Tạ Văn Toàn chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Toàn, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được việc vay vốn của đại bộ phận người dân. Vì vậy, đơn vị đang tiếp tục tham mưu với tỉnh Sơn La bổ sung nguồn vốn ủy thác của địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai thực hiện cho vay đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn việc làm, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh./.

Bảo Trân