Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại hội nghị Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg sáng 14/7. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.


Nguy cơ đứt chuỗi cung ứng lao động ngày càng hiện hữu


Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu (Ảnh: MD) 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như: Tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tiến hành bầu cử thành công đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đi liền với đó là những thách thức lớn từ dịch bệnh COVID-19 với những biến chủng mới, phức tạp. Trong bối cảnh đó, cả nước tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, an sinh xã hội đảm bảo. Đặc biệt, việc làm được duy trì.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp 2,42%, tỷ lệ thiếu việc làm 2,6%. Riêng khu vực phi chính thức trên 60%. Lao động tự do bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những khu vực đô thị.

Bộ trưởng lo lắng: “Cùng với đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thì nguy cơ đứt chuỗi về cung ứng lao động ngày càng hiện hữu. Sự bùng phát lần thứ tư của dịch COVID-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn... bị ảnh hưởng và chịu tác động mạnh mẽ hơn".

Theo thống kê, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến 130.000 lao động của tỉnh Bắc Giang bị dừng hoạt động trong đợt 4. Sau hơn 1 tháng, tới nay mới có 80.000 đã đi làm trở lại. Về khu vực phía nam, trong 2 tuần qua, nhiều tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng người lao động rút BHXH một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp gia tăng và nguy cơ không dừng ở đây...

Trong bối cảnh đó, toàn ngành LĐ-TBXH đã nỗ lực rất lớn, thực hiện bài bản, chặt chẽ. "Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP, Bộ đã chủ động hơn trong việc đề xuất báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội…Trên cơ sở đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Dư luận đồng tình với những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động" - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, tới ngày 14/7, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được 33/63 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của các tỉnh, thành.

Về các lĩnh vực khác cũng được Bộ triển khai toàn diện như: trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội khóa XV đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Các nội dung trẻ em, bình đẳng giới, bảo trợ xã hội… thực hiện tốt.

Sớm rút ngắn các thủ tục để triển khai thực hiện kịp thời

Tại Hội nghị, các đại biểu, đại diện các địa phương tập trung thông tin việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí 886 tỉ đồng, để hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 230.000 lao động tự do.

Theo ông, đến ngày 13/7, đã có 46% lao động tự do được nhận mức hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày (từ 31/5-29/6). TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần thành phố phải phong tỏa để chống dịch vẫn với mức 50.000 đồng/người/ngày, trong 15 ngày.

Các cơ quan chức năng thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp, tiểu thương nhanh chóng nhận được hỗ trợ. Thậm chí có nhóm đối tượng, người lao động, người dân không phải làm bất cứ thủ tục gì thì doanh nghiệp, các cơ quan chức năng vẫn lo thủ tục để chuyển tiền cho người dân, lao động sớm nhất.

Ông cũng cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong gói hỗ trợ theo nghị quyết 68 ngay trong tháng 7 này.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội (Ảnh: MD) 

 

Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là địa phương có dân số hơn 3,1 triệu người, lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp khoảng 1,2 triệu, tỷ lệ lao động trong khu vực thành thị và lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ cao do vậy dịch COVID-19 đang ảnh hưởng khá nhiều đến việc làm, thu nhập của người lao động, đặc biệt từ đợt dịch lần thứ 4, do vậy UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn.

Dự kiến, nếu tình hình hình dịch trong thời gian tới chưa được khống chế sẽ phát sinh nhiều khu vực phong toả, nhiều lao động không thể đi làm do vậy phát sinh nhiều đối tượng lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp (ước khoảng 30.000- 50.000 lao động bị ảnh hưởng).

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai khẳng định, việc triển khai các chính sách hỗ trợ đang được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao, Đồng Nai cam kết với Bộ sẽ thực hiện kịp thời, nhanh nhất có thể, không bỏ sót đối tượng. Bên cạnh đó, đối với lao động tự do, UBND tỉnh đã ban hành riêng Quyết định 2379/QĐ-UBND để triển khai thực hiện.

Trong khi đó, theo đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang, hiện nay, tỉnh đã hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số23/2021/QĐ-TTg. Ngay sau hội nghị này sẽ ban hành để triển khai thực hiện. Riêng nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại điểm 12 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP, UBND tỉnh đã giao cho Sở Lao động - TB&XH chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan đề xuất chính sách, trình UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ đối với nhóm đối tượng trên.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, ngày 9/7 vừa qua, Sở đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan thống nhất trình UBND nội dung để triển khai đến các cơ quan ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Hiện nay, UBND cấp xã đang triển khai xuống các khu, ấp để tiếp nhận hồ sơ người lao động đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Cùng với đó Sở LĐ-TB&XH cũng đã có Tờ trình UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương trên cơ sở thống nhất của các sở ngành liên quan và UBND cấp huyện với dự kiến khoảng 40.000 đối tượng là lao động tự do với mức hỗ trợ một lần là 1.500.000 đồng/người (trong đó 7.000 đối tượng bán vé số)…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao các địa phương đã nỗ lực, quyết tâm trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoan nghênh TP Hồ Chí Minh, “trong 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP Hồ Chí Minh đã triển khai giải ngân khoảng 100 tỷ đồng, 226.000 lao động tự do sẽ được giải ngân xong việc hỗ trợ trong ngày 14/7. Từ 15/7, TP Hồ Chí Minh chuyển sang hỗ trợ đối tượng người lao động có hợp đồng lao động. Dự kiến 30/7, việc hỗ trợ theo kế hoạch của TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với phòng, chống dịch và việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg phải lấy an toàn cho người đân là trước hết, trên hết và không được để ai bị đói. Đảm bảo ổn định cuộc sống, nhất là quan tâm đến người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn. Với phương châm như vậy, Bộ trưởng đề nghị, việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg phải rất khẩn trương.

“Đơn vị đã có kế hoạch rồi, có Nghị quyết của UBND tỉnh rồi thì tập trung triển khai hỗ trợ ngay. Đơn vị chưa tiến hành thì phải khẩn trương trong tuần này, không chậm trễ nữa” - Bộ trưởng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với nhân dân; nếu để xảy ra trục lợi, tiêu cực thì có tội với dân. Với tinh thần đó đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn, hành động bằng cả tấm lòng với người nghèo, người khó khăn.

Khẳng định Chính phủ đã ban hành các chính sách, “cởi mở, thông thoáng hết mức”, Bộ trưởng đề nghị các địa phương “đừng có thêm thủ tục gì, chỉ có bớt đi chứ không thêm”./.


Kim Thanh