Là tỉnh có trên 30% đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng xác định rõ công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, như miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài,...

Thực hiện các Đề án về giải quyết việc làm của UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm Sóc Trăng đã phối hợp với Ban Thanh niên nông thôn công nhân viên chức đô thị thuộc Tỉnh đoàn tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các Trường THPT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Kết quả đã triển khai nhiều lượt tư vấn, hương nghiệp cho học sinh, người lao động...

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức đào tạo nghề cho 65.216 người, trong đó người dân tộc học nghề là 12.423 người, chiếm 19,05% tổng số người học nghề (Hỗ trợ đồng bào dân tộc học nghề từ ngân sách nhà nước là 12.423 người). Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo bình quân mỗi năm trên 80%, trong đó tỷ lệ dân tộc thiểu số sau học nghề có việc làm trên 90%. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 58,99% năm 2019, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm  lên 54,49% năm 2019. Hiện Sóc Trăng phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55%.

Theo dánh giá từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, việc triển khai, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Qua đó, thúc đẩy công tác giáo dục nghề nghiệp phát triển, góp phần chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập theo hướng bền vững, nâng dần chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.



Các học viên tham gia lớp may công nghiệp (Ảnh: Báo Sóc Trăng Online)

 

Việc đào tạo nghề tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao dân trí, tạo cơ hội việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp, làm thay đổi thói quen, áp dụng kỹ thuật trong lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống. Qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua.

Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã quan tâm lựa chọn các ngành, nghề đào tạo phần lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu phục vụ sản xuất của người lao động, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo thuận lợi cho người lao động sau học nghề có việc làm ổn định. Từ đó đẩy mạnh nhu cầu được tham gia các khóa đào tạo, dạy nghề, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, từ quá trình triển khai cho thấy, công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Nhu cầu học nghề của lao động, của đồng bào dân tộc rất lớn, nhưng kết quả hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân tộc không nhiều (bình quân chỉ hỗ trợ được 3.922 người/năm, chiếm 63,12% tổng số người dân tộc thiểu số học nghề/năm).

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chậm đổi mới; thiếu giáo viên cơ hữu; chương trình, nội dung chưa thật sự sát với thực tiễn sản xuất và yêu cầu của doanh nghiệp); cơ cấu ngành, nghề đào tạo còn ít và chưa hợp lý giữa các trường trung cấp, trường cao đẳng; quy mô đào tạo còn nhỏ lẻ, phân tán, trình độ đào tạo còn thấp (chủ yếu là ngắn hạn). Tác phong và kỷ luật lao động của người học nghề vẫn còn yếu.Thiếu cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động, cho người khuyết tật, đặc biệt là người dân tộc, …

Để thực hiện công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số nói riêng đạt được kết quả, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Cần bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân tộc, người dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số nghèo hoặc xem xét chuyển và nâng dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thành Dự án “Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm tạo sinh kế cho người lao động học nghề” thuộc 02 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vũng và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, tăng mức kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động đối với những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số;…/.

Nhóm PV