Động lực cho lao động trên địa bàn

Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đồng Nai cho biết: Tổng nguồn vốn đến 31/10/2021 đạt 3.151.566 triệu đồng, tăng 294.771 triệu đồng (+10,3%) so với năm 2020, doanh số cho vay đạt 881.773 triệu đồng, với 29.416 lượt khách hàng vay, tập trung chủ yếu vào một số chương trình tín dụng sau: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo: 51.544 triệu đồng với 1.036 hộ vay, bằng 53,0% so với cùng kỳ năm 2020. Cho vay hỗ trợ tạo việc làm: 478.355 triệu đồng với 11.654 khách hàng vay, bằng 112,2% so với cùng kỳ năm 2020. Cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: 22.411 triệu đồng với 1.343 HSSV vay, bằng 73,2% so với cùng kỳ năm 2020. Cho vay NS&VSMT nông thôn: 302.946 triệu đồng với 15.282 hộ vay, bằng 81,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các hội, đoàn  thể nhận ủy thác (như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu  chiến binh) trong việc cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, tạo điều kiện thuận  lợi cho người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh  doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Việc cho vay  được bình xét công khai, dân chủ tại cơ sở, các dự án được thẩm định chặt chẽ và đúng quy trình. Nợ quá hạn, lãi tồn đọng được các địa phương quan tâm giải quyết.

Một mô hình của tỉnh Đồng Nai được đánh giá đạt chứng nhận (OCOP)

Hiệu quả từ nguồn vốn vay

Bà Trần Thị Hồng Vân, Khu phố Cẩm Tân, phường Xuân Tân, thành phố Long Khánh chia sẻ: Gia đình bà được NHCSXH CHO vay 100 triệu để thu mua nguyên liệu từ nông dân và các hợp tác xã trên địa bàn đã tạo việc làm cho 7-10 lao động. Thu nhập bình quân mỗi lao động 7-9 triệu đồng/ tháng. Khổ qua rừng được các siêu thị tiêu thụ, đạt chuẩn HACCP tiêu chuẩn quốc tế của Châu Âu đã được công nhận, còn những vùng nguyên liệu của các hợp tác xã hợp tác với Doanh nghiệp Hiệp Vân đều canh tác theo mô hình Vietgap và Bột khổ qua rừng Matcha, tinh chất khổ qua rừng của Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm 4 sao chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Đồng Nai tổ chức vào tháng 3 năm 2021.

Còn với gia đình ông Lê Văn Sinh, ấp 5 xã Phú Tân, huyện Định Quán, được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng quy mô chăn nuôi dê (lúc mua dê giống 1,5 triệu đồng/con).  Mọi thủ tục để được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đều được cán bộ ngân hàng hướng dẫn thực hiện rất nhanh gọn. Với vốn tự có và vốn vay của NHCSXH, đến nay gia đình đã phát triển đàn dê lên 60 con.

Mô hình chăn nuôi dê xã Phú Tân, huyện Định Quán

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đồng Nai, trong 10 tháng đầu năm, bên cạnh các chương trình tín dụng đang thực hiện, chi nhánh triển khai thêm hoạt động cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến 31/10/2021, đã cho vay 15.837 triệu đồng cho 25 Doanh nghiệp để trả lương cho trên 2,5 nghìn lao động.

Về phía Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai báo cáo, qua kiểm tra, giám sát công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cho thấy công tác vay vốn, giải quyết việc làm ở địa phương được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn và xem đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế ở địa phương; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể của các xã, phường, thị trấn; ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản về công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. 

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương nên đã thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nhàn rỗi, góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Các hộ vay từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đều chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để kinh doanh hoặc phát triển sản xuất và các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích dự án vay ban đầu./.

PV