Trước đây, mức vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm (QQGVVL) theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, quy định mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 NLĐ được tạo việc làm. 

Trong điều kiện hiện nay, mức vay trên đã không còn phù hợp, định mức vay hỗ trợ thấp không phát huy được hiệu quả đối với nhu cầu vốn phát triển sản xuất ngày càng lớn của các đối tượng vay. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và QQGVVL theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ QQGVVL đối với DNVVN, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và NLĐ. Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 NLĐ được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Bên cạnh đó, thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng.

Quỹ Quốc gia về việc làm: Gia tăng cơ hội cho người vay vốn khởi nghiệp

Ông Phạm Mạnh Hà Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết: Dựa trên văn bản chỉ đạo số 1478/LĐTBXH-LĐVLBHXH ngày 10/9/2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn về việc điều tra, rà soát nhu cầu vay vốn thuộc địa bàn quản lý theo Đề án của UBND tỉnh về hỗ trợ tín dụng tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2030. Đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay 95.584 triệu đồng, với 2.317 lượt hộ được vay vốn. Doanh số thu nợ 74.548 triệu đồng. Tổng dư nợ: 184.786 triệu đồng, tăng 21.036 triệu đồng so với năm 2020, hoàn thành 98,5% chỉ tiêu được giao năm 2021, chiếm 5,7% tổng dư nợ các chương trình tín dụng. Trong đó: Dư nợ cho vay từ nguồn vốn Trung ương 111.143 triệu đồng; nguồn vốn địa phương 73.643triệu đồng (ngân sách tỉnh là 42.608 triệu đồng; ngân sách các huyện, thành phố là 31.035 triệu đồng). Nguồn vốn vay chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực: trồng rừng 68.372 triệu đồng; trồng cây ăn quả 15.159 triệu đồng; chăn nuôi 24.601 triệu đồng; kinh doanh, buôn bán phát triển ngành nghề,…77.654 triệu đồng. Tổng số lao động còn dư nợ là 4.699 hộ, dư nợ bình quân 39,2 3triệu đồng/lao động, tăng 1,7 triệu/lao động so với năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2021, chi nhánh đã quan tâm chỉ đạo sát sao, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả, triển khai thực hiện tốt chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì việc làm cho trên 2.000 lao động, chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV và dịch vụ ủy thác ngày càng được nâng lên.

Sự điều chỉnh nâng hạn mức vốn vay rõ ràng là tin vui lớn đối với các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Chị Đỗ Thị Hiên (Khối 6, phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn), chủ sở hữu một xưởng cơ khí nhỏ cho biết, trước đây khi bắt đầu mở xưởng, chị đã rất vất vả trong việc tìm nguồn vốn. Thời điểm năm 2020, chị đã được vay 50 triệu đồng từ QQGVVL nên đã có vốn để lập nghiệp, tạo việc làm cho hai vợ chồng và hai lao động. “Muốn làm lớn hơn phải có vốn, mà đi vay ngân hàng thì nhiều người không có thế chấp. Do đó, việc Chính phủ tăng gấp đôi định mức vay từ QQGVVL thực sự là điều kiện rất tốt cho những người bắt đầu có ý định khởi nghiệp”, chị Hiên chia sẻ. 

Theo bà Nguyễn Thị Tôn, Tổ trưởng tổ vay vốn Khối 9, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn cho hay: Hội viên trong tổ của Khối chỉ được vay 50 triệu, với số vốn này thì chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển kinh tế, qua đây cũng mong muốn Đảng và nhà nước quan tâm hơn nữa để hội viên trong tổ được tiếp cận với nguồn vốn lớn hơn để hội viên có điều kiện tạo việc làm và mở rộng sản xuất.

Một mô hình chăn nuôi gà trên địa bàn TP.Lạng Sơn

Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, thu hút lao động, đảm bảo an sinh xã hội, tạo được sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn góp phần vào công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

PV