2.200 lao động bị mất việc

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 4.193 doanh nghiệp đăng kí hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng gần 53.000 lao động. Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 315 doanh nghiệp ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp khác phải thu hẹp phạm vi hoạt động kéo theo trên 2.200 lao động mất việc làm. Ngoài ra, có 31 doanh nghiệp phải cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với trên 490 lao động.

Trước thực trạng trên, Quảng Trị đã triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho người dân. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, đến ngày 23/11, tỉnh đã quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ cho trên 500 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương tại 31 đơn vị, doanh nghiệp với kinh phí trên 2,1 tỷ đồng; hỗ trợ 29 lao động mất việc tại 5 đơn vị, doanh nghiệp, kinh phí 50 triệu đồng.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ 440 lao động tự do, với tổng kinh phí trên 660 triệu đồng; hỗ trợ 7 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền gần 28 triệu đồng; hỗ trợ 80 lao động là hướng dẫn viên du lịch với kinh phí trên 296 triệu đồng.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ (Hình minh họa)

Triển khai nhiều giải pháp giúp người lao động tìm kiếm việc làm

Để đảm bảo an sinh xã hội về lâu dài, tỉnh Quảng Trị tổ chức khảo sát nhu cầu việc làm và mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho lao động trên địa bàn, trong đó ưu tiên lao động vừa trở về từ các tỉnh, thành phía Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp thông qua việc kết nối với các đơn vị tuyển dụng, đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Theo ông Võ Văn Hoàn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị, Trung tâm đã kiến nghị, đề xuất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động để phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh, từng bước thích nghi với từng điều kiện, tình hình, diễn biến của dịch COVID-19.

Về phía Trung tâm cũng đã xây dựng, ban hành công văn, thư ngỏ và trực tiếp liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp để rà soát, nắm bắt và có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Căn cứ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nguyện vọng tìm kiếm việc làm của người lao động, Trung tâm đã tổ chức kết nối việc làm phù hợp, hoặc tổ chức cung ứng, giới thiệu người lao động đi làm việc ở một số doanh nghiệp ngoại tỉnh nếu có nguyện vọng.

Theo thống kê, đã có 2.200 lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị mất việc làm (Hình minh họa)

Cùng với đó, Trung tâm cũng thực hiện đa dạng hóa các phương thức tiếp cận các doanh nghiệp và người lao động, tăng cường thực hiện nghiệp vụ chuyên môn bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, đặc biệt ưu tiên tập trung ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin, chuyển tải thông tin thị trường lao động, tư vấn qua trang thông tin điện tử vieclamquangtri.vn, trang Facebook của Trung tâm, Facebook của các văn phòng đại diện và cá nhân thuộc Trung tâm; qua Zalo và hệ thống tin nhắn qua tổng đài mạng vinaphone; tuyên truyền trực quan trên hệ thống bảng điện tử...

Trong công tác tổ chức sàn giao dịch việc làm, đơn vị cũng thực hiện linh hoạt, sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để tư vấn, hướng dẫn, kết nối phỏng vấn online giữa người lao động với người sử dụng lao động. Thực hiện tổ chức liên tục các phiên giao dịch việc làm chuyên đề bằng hình thức phỏng vấn trực tuyến khi các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu./.

PV