Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước trong việc đảm bảo an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo đồng bộ, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả chính sách.

 

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Quảng Ninh trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP được các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện hỗ trợ cho người dân đảm bảo kịp thời, thuận lợi, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt không để sót đối tượng thụ hưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó để đạt được kết quả cao nhất, góp phần hỗ trợ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, người lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan; đặc biệt là sự tham gia giám sát của mặt trận tổ quốc các cấp và của chính từng người dân trên địa bàn. Với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, đáp ứng kịp thời mong mỏi của hàng vạn lao động mất việc làm và chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

 

Tâp huấn thực hiện chi trả gói hỗ trợ

 

Với sự nỗ lực và vào cuộc của các Sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, người lao động và người yếu thế bị giảm sâu thu nhập do tác động của đại dịch COVID-19. Đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp cơ sở: thôn, bản, khu phố và UBND các xã, phường, thị trấn. Đến hết ngày 01/6/2020, Quảng Ninh đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng: (1) Nhóm đối tượng người có công (NCC), bảo trợ xã hội (BTXH), người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: đã có 10.907 người có công với cách mạng đã nhận đủ tiền hỗ trợ; có 30.125 đối tượng bảo trợ xã hội đã nhận đủ tiền hỗ trợ (đạt 100%); có 22.327 người thuộc hộ ngèo, hộ cận nghèo đã nhận đủ tiền hỗ trợ (đạt trên 99,7%); với tổng kinh phí hỗ trợ đã chi trả cho 3 đối tượng là 78.148.750.000 đồng; (2) Nhóm đối tượng người lao động làm việc tại các doanh nghiệp phải tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương: Đã chi trả hỗ trợ cho 220 người lao động với số tiền 396 triệu đồng; (3) Nhóm đối tượng người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đã chi trả hỗ trợ cho 10 người lao động với số tiền 10 triệu đồng; (4) Nhóm đối tượng người lao động không có giao kết HĐLĐ: Đã chi trả hỗ trợ cho 2.481 người lao động (thuộc lĩnh vực: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; Bán lẻ vé số lưu động; Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu, trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe) với số tiền 2.481.000.000 đồng.

Dự kiến phấn đấu đến ngày 30/6/2020 hoàn thành việc hỗ trợ cho người dân, người lao động; hoạt động hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động sẽ hoàn thành giải ngân trong tháng 7/2020.

Người dân đánh giá cao gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng của Chính phủ đối với các nhóm đối tượng gồm Người có công với cách mạng, Bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; nhóm người lao động bị mất việc làm... bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đây là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ giúp những người bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19 vượt qua khó khăn theo đúng chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau./.

PV