Nhiều lĩnh vực bị thiếu hụt lao động

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động tạm thời, nhưng khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh lại gặp khó khăn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc.

Theo dự kiến, trong năm 2022 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có nhu cầu tuyển khoảng 4.000 đến 8.000 lao động.

Đối với lĩnh vực Du lịch - Dịch vụ, theo dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động Du lịch - Dịch vụ được khôi phục sẽ có khả năng thiếu hụt khoảng 20.000 lao động trong lĩnh vực này. Nguyên nhân do nhiều lao động trong lĩnh vực này đã nghỉ việc, chuyển đổi công việc sang các lĩnh vực khác.

Với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trong các KCN trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp trong KCN tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các dự án dệt may, điện tử.... Vì vậy, các KCN đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, thu hút lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao.

Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các dự án trong KCN trong thời gian tới sẽ tăng cao (dự kiến đến năm 2025 số lao động tăng thêm khoảng 28.700 lao động) do các dự án lớn đang trong giai đoạn triển khai đầu tư, chuẩn bị vào hoạt động, một số doanh nghiệp tiếp tục tăng quy mô, công suất thiết kế. 

Thông qua công tác tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, Sở LĐTBXH dự báo thị trường lao động sẽ có sự dịch chuyển từ nhóm ngành Du lịch - Dịch vụ sang nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng - Sản xuất chế biến, chế tạo.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm nguồn lao động sau đại dịch. (Hình minh họa)

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để phục hồi và phát triển thị trường lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp, cụ thể như: Tiếp tục kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống ý tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, xây dựng các kế hoạch đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, vừa an toàn sản xuất và đảm bảo tuyệt đối sức khỏe của người lao động.

Bên cạnh đó là nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động, tình hình sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và tình hình thiếu hụt lao động của các đơn vị, doanh nghiệp để tiếp tục phối hợp thông tin, tuyên truyền, tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị.

Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề kịp thời nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nghề trung và dài hạn để đáp ứng nguồn lao động chất lượng, cung ứng kịp thời cho các doanh nghiệp, đảm bảo sát nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu thực tế của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các dự án trong KCN trong thời gian tới sẽ tăng cao. (Hình minh họa)

Thực hiện thông tin tuyên truyền kịp thời các chính sách thu hút lao động, chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh; thông tin các nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng, thu hút, phát triển nguồn lao động lâu dài.

Sở cũng đề nghị thúc đẩy liên kết vùng trong công tác thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến UBND các xã, phường, các tỉnh thành lân cận để thông tin, tuyên truyền đến đông đảo người lao động biết, tham gia tuyển dụng, tìm kiếm việc làm, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế; ưu tiên hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong các khu công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, ngành có lợi thế nhằm tạo ra việc làm, góp phần thu hút dân cư đến Quảng Ninh sinh sống, làm việc, nhất là nguồn lao động chất lượng cao từ các địa phương ngoài tỉnh.

Đẩy mạnh hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động; tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, kết nối với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để chủ động trong công tác tuyển dụng lao động cũng như phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ; chú trọng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo chuyển đổi nghề gắn với nhu cầu thị trường, đào tạo nguồn nhân lực ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để người lao động thích ứng với môi trường việc làm; thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít lao động.

Đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội và phát triển các công trình văn hóa công cộng, tăng cường các hoạt động văn hóa tinh thần công nhân ở các KCN, KKT và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.

Bên cạnh đó với các giải pháp từ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cũng cần tích cực có các chính sách, đãi ngộ giúp người lao động có việc làm phù hợp, thu nhập hợp lý, có cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc lành mạnh, tiến bộ nhằm giữ chân người lao động làm việc ổn định, lâu dài.../.

PV