Đến nay, toàn tỉnh có 713 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là 456 hợp tác xã; 237 hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, môi trường, khai thác quản lý chợ, xây dựng, dịch vụ điện, thương mại dịch vụ); 20 Quỹ tín dụng nhân dân. Tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã là trên 1.523 tỷ đồng; tổng số thành viên tham gia hợp tác xã là trên 35 nghìn người.


Nhiều hộ dân ở Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) liên kết sản xuất
chè mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Thân Khuyến/dangcongsan.vn


Qua đánh giá cho thấy, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh đang có những chuyển biến tích cực, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, góp phần giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động nông thôn. Các HTX từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến mô hình liên kết, sản xuất quy mô lớn. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc, mở rộng thị trường kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Năm 2020 tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn. Phấn đấu thành lập mới từ 40 - 50 hợp tác xã; kết nạp thêm từ 15 - 20 đơn vị tham gia thành viên Liên minh Hợp tác xã tỉnh; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho 100% cán bộ chủ chốt, quản lý hợp tác xã, thành viên hợp tác xã và sáng lập viên thành lập hợp tác xã trong tỉnh. Đồng thời, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hợp tác xã, đơn vị thành viên; sử dụng an toàn nguồn vốn, phát huy hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh; tổ chức cho các hợp tác xã đưa sản phẩm đi dự các hội nghị kết nối cung cầu; hội chợ xúc tiến thương mại tại các tỉnh bạn...

Để đạt mục tiêu, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của chương trình hỗ trợ phát triển các hợp tác xã giai đoạn 2016– 2020 theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã mới, tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh của kinh tế thành viên.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát, chấn chỉnh hoạt động các hợp tác xã sau khi thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012; tiếp tục rà soát, giải thể tự nguyện và bắt buộc đối với các hợp tác xã ngừng hoạt động và hoạt động kém hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển đa dạng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã trong các ngành, các lĩnh vực, địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư.

Tỉnh xác định phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm, với phương châm tích cực, hiệu quả, chủ động và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, chú trọng chất lượng hợp tác xã. Liên minh Hợp tác xã tỉnh quan tâm tổ chức các hoạt động hỗ trợ có hiệu quả các đơn vị thành viên, các hợp tác xã trong sản xuất kinh doanh; trọng tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tìm kiếm thị trường; tiêu thụ sản phẩm, là đầu mối liên kết, liên doanh giữa các hợp tác xã, giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…

Các hợp tác xã sản xuất hàng thủ công truyền thống trong các làng nghề tại tỉnh Bắc Giang tiếp tục được khôi phục và phát triển, hoạt động hiệu quả hơn, sản phẩm của các hợp tác xã này đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, giải quyết việc làm cho thành viên và tăng thu nhập cho người lao động. Nhiều sản phẩm của hợp tác xã loại này đã được người tiêu dùng ưa chuộng và đã trở thành quà đặc sản chất lượng cao của Bắc Giang như: bánh Đa Kế, mỳ Chũ, bún bánh Đa Mai…

Khắc Hưng