Người lao động  giao dịch tại TTDVVL Nghệ An


Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lần đầu tiên được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009, với mục tiêu hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động với 03 chế độ: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và hỗ trợ tìm việc làm. Đối tượng tham gia là người lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc từ đủ 12 tháng trở lên làm việc và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quy mô từ 10 lao động trở lên.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế quy định về BHTN tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, nội dung BHTN đã được chuyển sang Luật Việc làm năm 2013. Theo đó đã mở rộng đối tượng tham gia BHTN (người lao động có HĐLĐ từ 3 tháng trở lên, mọi người sử dụng lao động).

Đồng thời đã quy định rõ 04 chế độ: hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và trợ cấp thất nghiệp; bỏ chế độ hưởng trợ cấp một lần để bảo lưu thời gian đóng BHTN cho những lần hưởng tiếp theo; giảm thủ tục hành chính như: bỏ đăng ký thất nghiệp, người lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ở  bất kỳ Trung tâm dịch vụ việc làm nơi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, bổ sung các trường hợp được miễn không phải thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng...

Hiện nay, chính sách BHTN được quy định tại Chương VI Luật Việc làm (từ Điều 41 đến Điều 59), gồm: Nguyên tắc, đối tượng, chế độ BHTN; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề; Quỹ BHTN.

Chính sách BHTN ngày càng phát huy vai trò quan trọng


Bộ LĐ-TB&XH cho biết, chính sách BHTN quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách an sinh xã hội, trong đó có BHXH, BHTN. Chính sách BHTN ngày càng phát huy vai trò quan trọng, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp và giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua.

Các nguyên tắc BHTN về chia sẻ rủi ro, mức đóng BHTN đựa trên tiền lương của người lao động, mức hưởng BHTN tính trên mức đóng và thời gian đóng BHTN, tổ chức thực hiện BHTN theo hướng đơn giản, thuận lợi và quản lý Quỹ BHTN tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ là phù hợp với xu thế chung của các nước đang triển khai chính sách BHTN và tình hình kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Về cơ bản, các quy định về tham gia BHTN, thời gian đóng BHTN và hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN, nhất là giải quyết các chế độ cho người thất nghiệp.

Luật Việc làm đã quy định cụ thể đối tượng tham gia BHTN, với việc mở rộng đối tượng so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, góp phần mở rộng diện bao phủ của chính sách, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động nói chung, người thất nghiệp nói riêng.

 

PV