Cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP là chương trình nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn. Đây là một trong những chương trình tín dụng mà người dân có nhu cầu vay vốn lớn. Đặc biệt, sau 2 năm (2020 - 2021) ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến nhiều người mất việc làm thì nguồn vốn này càng được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chú trọng triển khai cho vay đến người dân. 

Theo Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình Ngô Trọng Kiên, những năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng này, theo phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội theo các nguyên tắc như: bình xét dân chủ, công khai; chuyển tải kịp thời nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn đến đúng đối tượng thụ hưởng thông qua các phiên giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại điểm giao dịch của từng xã. 

Ông Ngô Trọng Kiên, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình


Tính đến thời điểm 31/10/2023, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt trên 521,5 tỷ đồng với trên 12.680 khách hàng còn dư nợ. Thông qua vốn vay giải quyết việc làm đã giúp hàng nghìn hộ dân có vốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Chỉ tính hơn 2 năm gần nhất (từ năm 2021 đến nay), Chi nhánh đã giải ngân trên 571 tỷ đồng, thu nợ trên 191 tỷ đồng, dư nợ tăng trưởng trên 429 tỷ đồng so với năm 220, bình quân hàng năm tăng gần 11%. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi này, đã tạo việc làm cho trên 13.670 lao động, góp phần ổn định, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ thất nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

"Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn", ông Kiên nhấn mạnh.

Một điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách trên địa bàn xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu đó là mô hình HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu. Chị Vì Thị Oanh - Phó Giám đốc HTX cho biết, HTX được thành lập năm 2013 với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng, được huy động từ các thành viên trong HTX. Đây là nơi làm việc chính của hơn 20 chị em phụ nữ trong xã, với quyết tâm khôi phục, phát triển nghề dệt truyền thống của cha ông.

 HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu

 

Ban đầu, các sản phẩm của HTX được làm thủ công hoàn toàn, tỷ mỉ trong từng công đoạn. Tuy nhiên, để bắt nhịp nhu cầu thị trường, HTX đã sử dụng số tiền vay từ Ngân hàng CSXH huyện Mai Châu để đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng, nhà trưng bày và trang bị máy móc. Hiện nay, HTX có 14 máy may, hơn 40 khung dệt với 21 nhân công làm việc chính tại xưởng và 100 nhân công làm việc bán thời gian. Thu nhập trung bình của chị em dao động từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Đến nay, sau 10 năm thành lập, HTX dần có hướng đi ổn định và định hướng lâu dài. Thị trường chủ yếu của HTX là làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và khách quốc tế. Hiện nay, một số công ty tại Pháp đặt hàng HTX thường xuyên. 

Để tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội phục vụ giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ông Ngô Trọng Kiên, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết: Thời gian tới, tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và định hướng, kế hoạch hoạt động của NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu tăng trưởng kế hoạch tín dụng, nhiệm vụ được giao với phương châm: “Tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng” và mục tiêu “100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp”. Đồng thời, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch xã; thường xuyên quan tâm củng cố nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách.

Thực tế những năm qua cho thấy, tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; đồng thời tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền./.

PV