Trong những năm qua, huyện Mai Sơn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản bấp bênh, đầu ra cho các sản phẩm chưa ổn định..., song với sự nỗ lực NHCSXH huyện Mai Sơn đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức chính trị - xã hội giúp nhân dân được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tạo một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân và cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở để  tiếp cận với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của NHCSXH một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn và hiệu quả, tiết kiệm thời gian và đảm bảo đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. 

Người dân đang làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH huyện Mai Sơn

Ông Cầm Văn Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn, Sơn La cho biết: Đến cuối năm 2021 số hộ nghèo còn 5.890 hộ, chiếm tỷ lệ 15%/tổng số hộ dân, hộ cận nghèo là 2.382 hộ, chiếm 6,24%/tổng số hộ dân. Từ khi có Chỉ thị số 40/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hàng năm huyện Mai Sơn đều chuyển nguồn vốn ủy thác để NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao. Đặc biệt nhờ chủ trương, chính sách ưu việt của Đảng, nhà nước, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động vùng nông thôn và thêm nhiều việc làm mới cho lao động ở khu vực thị trấn; qua đó, tăng thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp; tạo thói quen tích lũy, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng vốn, kỹ năng tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo nguồn tích lũy để trả nợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính đến 30/11/2022 với 19.557 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo là 217.123 triệu đồng, với 5.303 hộ vay vốn đang còn dư nợ.

Cán bộ tín dụng đi kiểm tra một mô hình vay vốn trên địa bàn huyện

Gia đình chị Hà Thị Hồng ở Bản Nà Hạ, xã Hát Lót, huyện Mai sơn, Sơn La vui mừng nói: Gia đình tôi làm nông nghiệp, trước đây chủ yếu là cây sắn và ngô, nhưng hiệu quả kinh tế rất là thấp. Từ khi gia đình chúng tôi được ngân hàng chính sach hỗ trợ cho vay vốn trồng cây ăn quả như xoài nhãn, bưởi  hàng năm gia đình chúng tôi đạt hiệu quả kinh tế rất cao, mỗi năm thu hoạch từ xoài và nhãn được trên 200 triệu. Còn chị Lò Thị Thuận ở Bản Huổi Khoang xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn thì tâm sự: Hiện nay tôi đang là mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ trong đó có một người con bị tật nguyền, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, được Đảng, Nhà nước quan tâm, được ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay được 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Sau khi vay vốn tôi đã sử dựng vốn hiệu quả đầu tư vào mua bò, trồng cỏ để phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình kinh tế của gia đình chị Hà Thị Hồng

Bà Hoàng Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Đại diện HĐQT huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: Vốn tín dụng chính sách xã hội được đảm bảo theo hướng đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện dự án sản xuất - kinh doanh phát huy hiệu quả cao nhất, đồng thời phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... giúp hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, yên tâm sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng. 
Về với miền đất Mai Sơn hôm nay, đã khác xưa rất nhiều: Hạt, bông, hoa, trái đã nặng hạt và trĩu quả trên cành, những con đường bên tông trải dài rộng bước, những trường học chắp cánh những ước mơ, những ngôi nhà vững trãi bên sườn non và cuộc sống của người dân đang thay da đổi thịt rất nhiều. Đó có sự đóng góp rất lớn của chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo Được Đảng, nhà nước quan tâm và NHCSXH thực hiện.


CTV