Được hỗ trợ vay 50 triệu đồng vào năm 2018, bà Lê Thị Thanh Thủy ở tổ 6, khu vực Thới An, phường Thới Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã chọn cây dừa là cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời từ Quỹ quốc gia tạo việc làm, đến nay gia đình bà Thủy đã có trên 200 gốc dừa, hiện 150 cây cho trái, mỗi tháng gia đình bà thu nhập từ 7-10 triệu đồng từ tiền bán dừa. Bà Thủy chia sẻ: Việc hỗ trợ vốn cho các hộ dân có điều kiện khó khăn kịp thời là nguồn động lực to lớn để các hộ gia đình có thêm niềm tin đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế.

Cũng giống bà Thủy, bà Lê Thị Thanh Thúy ở tổ 6 – Thới An, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy vay 50 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm. Với nguồn vốn này, bà đầu tư trên 100 gốc dừa. Sau 4 năm đã cho thu hoạch ổn định, tạo thu nhập cho gia đình.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Thành phố Cần Thơ Huỳnh Văn Thuận cho biết: Thời gian qua, Chi nhánh đã phối hợp tốt với các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội triển khai có hiệu quả cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đạt hiệu quả bước đầu.

Không chỉ tham mưu cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố triển khai cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, Chi nhánh Ngân hàng đã phối hợp với Sở Lao động –Thương binh &Xã hội thành phố tổ chức tập huấn cho các Phòng Lao động-Thương binh&Xã hội quận, huyện, UBND cấp xã, các Hội đoàn thể nhận ủy thác và Tổ Tiết kiệm & Vay vốn. Bên cạnh đó, đã phối hợp với UBND các cấp, Hội đoàn thể nhận ủy thác và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến công khai chính sách cho vay để người dân biết và thực hiện; rà soát các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn và tổ chức bình xét cho vay kịp thời. Trong đó, quan tâm đến các đối tượng là hộ có nhu cầu giải quyết việc làm, các cơ sở sản xuất kinh doanh để phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể “chợ nổi Cái Răng” từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

 

Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển
kinh tế hộ gia đình. Ảnh: HM/dangcongsan.vn


Đến nay, nguồn vốn cho vay của chương trình đạt 327 tỷ đồng, tăng 307 tỷ đồng so với năm 2003 (tăng bình quân gần 20 tỷ đồng/năm); trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 49 tỷ đồng (nguồn vốn do UBND thành phố quản lý là 46 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương Hội quản lý là 3 tỷ đồng), nguồn vốn ngân hàng chính sách huy động là 115 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách địa phương (thành phố và quận, huyện) là 163 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác của các tổ chức khác là 1 tỷ đồng.

Qua 16 năm triển khai thực hiện, Chi nhánh đã giải ngân cho 23.900 dự án vay vốn với tổng số tiền 606 tỷ đồng; trong đó, Chi nhánh đã giải ngân cho 2.264 dự án với số tiền là 110 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương để phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Hiện, dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 325 tỷ đồng, với 9.500 hộ còn dư nợ, tăng 307 tỷ đồng (tăng 15 lần) so với năm 2003; mức dư nợ bình quân 34 triệu đồng/lao động; chiếm 13,52% trên tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách Chi nhánh đang thực hiện cho vay.

Ông Huỳnh Văn Thuận cho biết: Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ viên chức toàn Chi nhánh, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần tích cực trong việc tạo việc làm cho hơn 24.000 lao động; trong đó giải quyết, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.200 lao động để thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Đặc biệt là thông qua chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp cho 114 đối tượng là người khuyết tật được vay vốn tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần và hòa đồng cùng xã hội.

Qua công tác cho vay đã có những mô hình, dự án làm ăn hiệu quả góp phần cùng địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình, dự án cụ thể như: Tổ bánh dân gian ở quận Ninh Kiều; trồng cam xoàn, nhãn Ido ở quận Ô Môn; làng nghề bánh tráng Thuận Hưng ở quận Thốt Nốt; trồng hạnh, ươm cá giống ở huyện Thới Lai; nuôi cá lóc trong vèo, trồng sen ở huyện Cờ Đỏ; trồng mai kiểng, trồng cam ở huyện Vĩnh Thạnh; trồng vú sữa, sầu riêng ở huyện Phong Điền; trồng mít, xoài, chôm chôm ở quận Cái Răng; trồng nấm rơm, may gia dụng ở quận Bình Thủy…

Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách thành phố đã giúp cho các hộ tiểu thương buôn bán trên chợ nổi Cái Răng có vốn để phát triển kinh doanh, cải thiện cuộc sống, duy trì ngành nghề truyền thống của gia đình ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền và phường Lê Bình, quận Cái Răng; các cơ sở kinh doanh du lịch có thêm nguồn vốn để phát triển các loại hình du lịch vườn, xây dựng homestay để phục vụ các du khách là người nước ngoài như khu du lịch Xẻo Nhum (quận Cái Răng), Vàm Xáng (huyện Phong Điền), du lịch vườn tại khu vực cồn Sơn (quận Bình Thủy)...

Nằm trong chương trình của hội nghị truyền thông về việc làm do Cục Việc làm và Tạp chí Lao động Xã hội tổ chức tại Cần Thơ, chúng tôi có dịp được đến tham quan các mô hình kinh tế được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm cho người lao động đạt hiệu quả bước đầu, giúp nhiều hộ gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Tập ở khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, khi nhận được nguồn vốn vay ưu đãi, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn trồng 350 cây mít, hiện đã có 150 cây cho thu hoạch. Ông Tập cho biết, hiện mỗi năm gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng từ loại cây ăn quả này. 

Ngoài việc tạo việc làm cho người lao động, việc thực hiện có hiệu quả nguồn vốn này cũng đã tác động tích cực đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; góp phần hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; góp phần nâng cao đời sống người dân./.

 

PV