(ĐCSVN) – Đại dịch COVID– 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Ninh Bình đã thực hiện các giải pháp, chương trình, đề án, chính sách về lao động, giải quyết viêc làm, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, nhất là các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch,… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn
nhân lực tham gia thị trường lao động. Ảnh: Phương Thanh/dangcongsan.vn
Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ Việc làm đã tiếp nhận tư vấn việc làm, chính sách pháp luật lao động, học nghề cho trên 20 nghìn người lao động, giới thiệu việc làm cho 1.500 người; giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho 4.939 người lao động với số tiền chi trợ cấp thất nghiệp trên 62 tỷ.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh & Xã hội, thực hiện Chương trình phát triển thị trường lao động đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Chính phủ với mục tiêu phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, đồng bộ và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin về giáo dục - đào tạo, tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, giữa người lao động với chủ sử dụng lao động, nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động. Trong thời gian vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 05/7/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình). Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai thực hiện phối hợp với các địa phương thu thập, hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động; nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc cập nhật, lưu trữ số liệu, phân tích và dự báo về cung – cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, chia sẻ thông tin về thị trường lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động; triển khai giải pháp để số hóa, thường xuyên cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động, doanh nghiệp...; Đẩy mạnh công tác Tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động; đổi mới, đa dạng các nội dung và hình thức tư vấn giới thiệu việc làm để phù hợp với từng đối tượng như tư vấn trực tiếp, qua hoạt động của các Sàn giao dịch việc làm, qua zalo, facebook, điện thoại...; Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động; đặc biệt, chú trọng nâng cao hiệu quả của Sàn giao dịch việc làm; Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong các hoạt động tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp và tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp; Tập trung giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhanh gọn, đảm bảo đúng quy định; thực hiện có hiệu quả việc tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho đối tượng này.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến – Phó Giám đốc Thường trực Sở Lao động, Thương binh & Xã hội
trao đổi cùng Phóng viên. Ảnh: Phạm Phượng/dangcongsan.vn
Ông Nguyễn Hữu Tuyến – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội nhận định: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chưa thể dự báo thời điểm kết thúc, đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động, thị trường lao động từ đầu năm đến nay có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm gia tăng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế – xã hội nói chung dần ổn định trở lại, sản xuất – kinh doanh được khôi phục. Thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai các nhiệm vụ vừa ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh vừa tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa người lao động bị mất việc làm. Một số doanh nghiệp bố trí cho người lao động nghỉ luân phiên và chi trả lương tối thiểu nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động.
Trong thời gian qua, Ninh Bình đã tiếp nhận số lượng lớn người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê. Để hỗ trợ kịp thời cho số đối tượng này, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát nhu cầu của người lao động về việc làm, học nghề và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm hỗ trợ người lao động sớm ổn định công việc, có thu nhập để đảm bảo cuộc sống.
Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giao dịch việc làm, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, có phương án phân luồng, tiếp đón người lao động đến liên hệ đảm bảo vừa thực hiện tốt nhiệm vụ vừa thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng, chống dịch.
1.500 người lao động được giới thiệu việc làm. Ảnh: Phương Thanh/dangcongsan.vn
Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thị trường lao động và việc làm năm 2021. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động; phối hợp tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường tư vấn trực tuyến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ về việc làm, xuất khẩu lao động tại các huyện, thành phố đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, tính đến hết tháng 11 năm 2021, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho 17.500 người (đạt 90,2% kế hoạch năm), trong đó xuất khẩu lao động đạt 584 người (đạt 41,71% kế hoạch năm). Uớc thực hiện trong năm 2021, giải quyết việc làm cho 19.850 người, đạt 102,3% kế hoạch năm (vượt chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở 2,3%), trong đó: xuất khẩu lao động đạt 750 người.
Ông Lã Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình cho biết: nhằm đảm bảo “mục tiêu kép “ vừa phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm. Việc đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, nhất là qua mạng internet đã và đang được Trung tâm Dịch vụ việc làm linh hoạt, tích cực triển khai. Qua đó, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Để vừa làm tròn vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, vừa tuân thủ nghiêm các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong phòng dịch COVID-19, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động. Thay vì tổ chức tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn giao dịch như trước đây thì hiện nay, Trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm dưới hình thức online, đăng thông tin tuyển dụng lên website để người lao động trực tiếp trao đổi với nhà tuyển dụng.
Ông Lã Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Ninh Bình trả lời phỏng vấn
với Phóng viên. Ảnh: Hồng Sơn/dangcongsan.vn
Đặc biệt, nhằm kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Trung tâm đã gửi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc của người lao động đăng ký tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình lên Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) để sự kết nối cung - cầu lao động được rộng rãi hơn giữa các địa phương trong cả nước. Như vậy, người lao động của tỉnh Ninh Bình có nhu cầu làm việc ở địa phương khác cũng dễ dàng tham khảo, tìm cơ hội ứng tuyển mà không cần phải vất vả đi lại trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
"Việc ứng dụng CNTT trong kết nối việc làm cho người lao động, đặc biệt là tổ chức các phiên giao dịch việc làm online sẽ giúp cho người lao động và nhà tuyển dụng, vừa giảm được chi phí đi lại, đồng thời đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch COVID-19" - ông Tùng cho hay./.