Theo Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngay từ đầu năm 2021, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình và Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác từ tỉnh đến huyện, thành phố triển khai kịp thời, có hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ khâu tuyên truyền, thẩm định, thực hiện giải ngân, đến việc đôn đốc kiểm tra sử dụng vốn vay, đảm bảo cho nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, thu hồi vốn theo thời hạn quy định. Theo đó doanh số cho vay 10 tháng năm 2021 đạt 169,6 tỷ đồng, với 3.543 khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ 10 tháng đạt 79,6 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/10/2021 là 368 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với năm 2020, với 8.134 khách hàng còn dư nợ, chất lượng tín dụng tốt và luôn duy trì ổn định.

Chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế

Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất đá mỹ nghệ cao cấp của gia đình ông Phạm Ngọc Tâm, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, ông chia sẻ: Từ khi mới thành lập gia đình gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để kinh doanh và trả lương cho lao động, Được sự tư vấn, giới thiệu của hội nông dân xã, ông tham gia tổ tiết kiệm vay vốn và được vay số tiền 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của tỉnh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, từ khi tiếp cận được nguồn vốn do ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình đã giúp gia đình ông giải tỏa được nguồn vốn, qua đó đã xây dựng được nhà xưởng, mở rộng kinh doanh và thuê thêm được lao động, từ đó gia đình đã tháo gỡ được những khó khăn ban đầu.

Cũng như gia đình ông Tâm, gia đình chị Tống Thị Vân Anh, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư cho hay: Trước đây do không có vốn chỉ dựa vào số vốn ít ỏi của gia đình nên có một mình chị làm, khi biết đến chính sách cho vay vốn tạo việc làm chị đã được vay 50 triệu đồng chị đã mua thêm được tám máy may, nhập thêm nhiều nguyên liệu, nhờ mở rộng sản xuất chị đã tuyển thêm được bảy chị em khác trong xã cùng làm, qua đó đã giúp được những chị em này có được thu nhập ổn định với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/ một tháng. Thời gian tới, gia đình chị mong muốn được nâng mức vay và gia hạn thêm thời gian vay để có điều kiện mở rộng hơn nữa sản xuất của gia đình.

Mô hình sản xuất đá mỹ nghệ cao cấp xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Thường trực Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết: Sở LĐTB&XH phối hợp với NHCSXH tỉnh tổ chức thẩm định và cho vay 10 tháng năm 2021 đạt 169,6 tỷ đồng, với 3.543 khách hàng được vay vốn, giúp duy trì và tạo việc làm cho trên 5.000 lao động. Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Sở LĐTB&XH phối hợp với NHCSXH tỉnh, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thông qua nhiều hình thức để người dân biết quy trình vay vốn và đăng ký tham gia khi có nhu cầu. Thực hiện tốt công tác tư vấn việc làm, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay, giúp người lao động tìm được công việc phù hợp với khả năng. Tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn; cho vay đúng đối tượng, tạo điều kiện cho người vay và sử dụng vốn vay hiệu quả trong giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương.

PV