Có thể nói, vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và tạo việc làm mới. Đến ngày 30/09/2023 doanh số mà Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Tân Kỳ đã cho vay gần 5 tỷ đồng với 90 khách hàng vay vốn. Nguồn vốn của chương trình mang lại hiệu quả rất tích cực, chất lượng tín dụng an toàn vì tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp.

Cán bộ NHCSXH huyện Tân Kỳ đang hướng dẫn khách hàng vay vốn


Cùng với rất nhiều nguồn hỗ trợ kinh doanh khởi nghiệp, khởi sự thì tại huyện miền núi Tân Kỳ, gia đình anh Trần Khắc Trì xóm Tân Minh, xã Tân Hương đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn vay theo Nghị định 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Năm 2021, anh Trì được vay vốn 70 triệu đồng từ nguồn vốn theo Nghị định 74 của Chính phủ từ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Kỳ. Từ nguồn vốn vay, gia đình anh Trì đầu từ phát triển mô hình chăn nuôi bò đem lại thu nhập cao. Hiện nay, trang trại của anh Trì có hơn chục con bò đang trong thời kỳ sinh sản. Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi qua sách, báo và mạng nên đến nay đàn bò của gia đình anh Trì sinh sản, phát triển tốt.
Anh Trì chia sẻ: “Tôi muốn xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt trên diện tích đất sẵn có của gia đình. Nhờ có nguồn vốn vay tạo việc làm, tôi đã làm trang trại, cộng với số tiền dành dụm tôi đã mua con giống để nuôi. Hiện tại, 2 vợ chồng tôi đã có được việc làm ổn định, tôi mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô trang trại trong thời gian tới để nuôi thêm heo thịt và giúp cho nhiều thanh niên khác cũng có việc làm ổn định thay vì đi làm thời vụ ở các nơi khác”.
Qua 2 năm, anh Trì là một trong những gia đình đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm cho người lao động tại huyện miền núi Tân Kỳ.

Mô hình nuôi bò của gia đình anh Trần Khắc Trì


Trần Hải Định Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tân kỳ cho biết: Để góp phần giữ ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, các cấp, ngành của tỉnh thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Mặc dù nguồn vốn không nhiều, nhưng hoạt động cho vay của Quỹ rất hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nguồn vốn được bảo toàn, chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng Quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng được mở rộng.  Đặc biệt, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhiều mô hình cho vay hiệu quả từ Quỹ quốc gia về việc làm như mô hình khôi phục làng nghề truyền thống; mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; mô hình tổ tiết kiệm & vay vốn của Hội phụ nư... đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình họ.


CTV