NHCSXH nhanh chóng giải ngân nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khách hàng.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Chi nhánh phối hợp các sở, ngành rà soát nhu cầu vay vốn và tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt dự kiến nhu cầu vốn tín dụng cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP trong giai đoạn 2022-2023 với tổng số tiền các chương trình là 1.226.789 triệu đồng. Cụ thể các chương trình như: cho vay giải quyết việc làm; chương trình nhà ở xã hội; chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập; cho vay chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số; cho vay cơ sở giáo dục mầm non tiểu học 350 triệu đồng. Riêng cho vay giải quyết việc làm tính đến ngày 30/9/2022 Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã giải ngân cho 4.270 lượt khách hàng vay vốn theo Nghị định số 74 với tổng số tiền là 229 tỷ 44 triệu đồng.

Cùng với đó, Cấp uỷ, chính quyền địa phương, các Sở, ban ngành các cấp đã quan tâm chỉ đạo đến việc thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách, trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho trên 29 nghìn lượt khách hàng được vay vốn và trên 4 nghìn lao động được tạo việc làm, tăng thu nhập đời sống gia đình từng bước được cải thiện. Đặc biệt quan tâm đối với đối tượng là con em dân tộc thiểu số thiếu công ăn việc làm thuộc Thành phố, thị trấn, xã...có tỷ lệ hộ nghèo thấp và địa bàn ít được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách khác, góp phần tích cực đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, vấn nạn tín dụng đen trên địa bàn thị trấn, thị tứ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có tác động tích cực đến việc sử dụng lực lượng lao động nông nhàn, thay đổi tập quán làm ăn cải thiện đời sống, quan trọng hơn là không sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Giống như nhiều người lao động trên địa bàn huyện Thuận Châu, đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống gia đình anh Lò Văn Nhường, bản Ngà Phát xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu gặp nhiều khó khăn. Nhà vốn đã đông người nhưng không ai có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên việc lo toan cho cuộc sống hàng ngày là vấn đề lớn với gia đình anh Nhường. Vì thế, khi được tuyên truyền về các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, anh Nhường đã làm hồ sơ, thủ tục vay vốn. Vừa qua, gia đình anh đã được giải ngân số tiền 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ số tiền được vay, anh đã đầu tư trồng cây cafe để vừa tận dụng kinh nghiệm, dễ chăm sóc lại vừa giải quyết việc làm cho thành viên trong gia đình. Hiện vườn cafe của gia đình anh đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trong thời gian tới.

Mô hình trồng cây cafe của gia đình anh Nhường

Có thể nói, vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao. Góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

NS