Những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Nghệ An đã kịp thời đến với các gia đình đồng bào thuộc diện nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... Nhờ có nguồn vốn này đã giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn mua sắm vật tư, cây con giống tốt, thâm canh ruộng vườn, khôi phục mở mang ngành nghề thủ công... nguồn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Có thể thấy, cùng với các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, thì chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm theo Nghị định 74/NĐ-CP của Chính phủ là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần làm đổi mới bộ mặt ở các vùng nông thôn, biên giới ở tỉnh Nghệ An.
Được nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp sức, nhiều mô hình kinh tế tập trung thu hút lao động địa phương được triển khai và mang lại hiệu quả cao. Gia đình chị Lê Thị Dung, dân tộc Thái, bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) trước đây là hộ nghèo trong xã. Năm 2023, chị Dung mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH theo chương trình vay vốn tạo việc làm để bò sinh sản và phát triển kinh tế trang trại như keo, quế. Ngoài ra, tận dụng tối đa thời gian, chồng chị cũng mở thêm cửa hàng sửa xe máy nho nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Tuy mới đầu tư, nhưng năm 2023, thu nhập của gia đình chị Hồng đã cải thiện đáng kể, chị đã có tiền cho con đi học đại học.
Chị Lê Thị Dung, dân tộc Thái, bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tạo việc làm
Trao đổi với chúng tôi, chị Dung cho biết: “Nhờ có vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình tôi có mái nhà yên ấm, có vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Có được như ngày hôm nay quả là giấc mơ, chúng tôi mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn để chăn nuôi, ổn định cuộc sống, thoát khỏi hộ nghèo.”
Giám đốc Ngân hàng chính sách, xã hội Quế Phong Nguyễn Khoa Văn cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội Quế Phong đã triển khai 20 chương trình vay vốn, với 9.797 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, thông qua nguồn vốn đã giúp cho hơn 6.000 hộ nghèo, cận nghèo, hơn 600 hộ thoát nghèo cùng 1.729 gia đình gia đình chính được vay vốn để sản xuất kinh doanh, làm kinh tế. Qua công tác kiểm tra thường xuyên hầu hết các hộ được vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và đều mang lại hiệu quả, nợ đến hạn các hộ vay đều trả đúng thời gian. Đồng thời, nguồn vốn đã phát huy được hiệu quả góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập của người dân.”
Đến thăm gia đình chị Phạm Thị Phương, ở khối 3 phường Thu Thủy, chị Phương chia sẻ, hiện tại gia đình đang kinh doanh nhà hàng ăn ở bãi biễn, nhưng do vốn ít nên gia đình chỉ làm nhà hàng bằng tôn tạm bợ và lao động cũng chỉ sử dụng người trong gia đình. Tuy nhiên, năm 2023, UBND Thị xã đã có chủ trương giải tỏa các ky ốt phía Đông bãi biễn đễ các hộ chuyển sang kinh doanh phía Tây. Nhưng khi chuyển đến kinh doanh vị trí mới gia đình chị thiếu vốn để xây dựng nhà hàng mới. Được Hội LHPN và UBND phường bình xét cho vay số tiền 80 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình chị đã đầu tư xây dưng một nhà hàng khang trang. Đến nay, gia đình chị Phạm thị Phương đã đi vào kinh doanh ổn định, doanh thu về từ 150 - 200 triệu đồng/ tháng. Từ kinh doanh, gia đình có điều kiện để nuôi các con ăn học trưởng thành. Mở rộng kinh doanh không những tăng thêm thu nhập cho gia đình chị mà đã tạo việc làm thường xuyên cho 6-7 lao động với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng.
Cửa hàng ăn uống của chị Phạm Thị Phương, ở khối 3 phường Thu Thủy - Thị Xã Cửa Lò
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An, Hoàng Sơn Lam: "Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế, mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đối tượng thụ hưởng của tín dụng chính sách ngày càng mở rộng, quy mô nguồn vốn và dư nợ ngày càng lớn, mức cho vay tăng, thời hạn cho vay dài (hầu hết các chương trình đều cho vay trung và dài hạn) và lãi suất cho vay luôn duy trì ổn định theo thời gian, tín dụng chính sách đang ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân, là nguồn vốn quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để tạo sinh kế, ổn định đời sống"./.