Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Đây được coi là giải pháp căn cơ của Chính phủ để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, giải quyết vấn đề việc làm cho người dân.

Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ hơn 71 tỷ đồng để triển khai 3 trong số 5 chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk đã rà roát nhu cầu và làm các bước cơ bản thiết lập hồ sơ cho vay được khoảng 715 hồ sơ, với số tiền 37 tỷ đồng, số còn lại sẽ tiếp tục rà soát, tiếp nhận hồ sơ để thực hiện cho vay theo kế hoạch của Trung ương giao

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các
chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm


Nhiều người dân được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đúng mục đích để phục hồi kinh tế gia đình. Hộ anh Y Đương Byă (buôn Dhung, xã Cư M’gar) vừa được tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Nguồn vốn này đã kịp thời giúp anh đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi dê vốn có của gia đình. Anh mua thêm 8 con dê giống và dê con để phát triển đàn, đây là niềm hy vọng thoát nghèo của gia đình anh lúc này. Anh chia sẻ, đàn dê nuôi 14 con của gia đình đang cho nguồn thu tốt thì dịch bệnh COVID-19 ập đến, khiến giá rớt thảm. Quyết tâm theo đuổi mô hình kinh tế này, nhưng anh không có vốn để đầu tư chăm sóc vật nuôi và tiếp tục gây đàn. Cuối tháng 4 vừa qua, anh được hỗ trợ vốn vay để nhanh chóng gây đàn, “nuôi” hy vọng phục hồi kinh tế gia đình. Với anh, đây là món tiền lớn, kịp thời tiếp sức để gia đình anh vượt qua khó khăn, đầu tư sản xuất. 

Hộ gia đình anh Đào Văn Hữu và chị Đào Thị Nhạn (tổ dân phố 4, thị trấn M’Drắk) cũng được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm vào năm 2019. Từ nguồn vốn này, gia đình anh chị đã đầu tư mua cây giống, phân bón để trồng 1ha keo lai và 1ha sắn. Chỉ sau 3 năm, 1ha keo lai đã cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập cho gia đình anh Hữu khoảng 60 triệu đồng.

Bên cạnh trồng rừng thì anh Hữu còn làm thêm nghề nhôm sắt, thợ hồ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đến nay, gia đình anh đã có thu nhập ổn định mỗi năm gần 100 triệu đồng. Điều kiện kinh tế phát triển nên anh chị đã nuôi 2 con ăn học đàng hoàng, mua sắm các vật dụng hiện đại phục vụ cuộc sống hằng ngày, gia đình anh cũng đã vươn lên thoát nghèo. 

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Thượng Văn Điệp cho biết: Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến tất cả điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh xuống xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện M’Drắk kiểm tra tính hiệu quả vốn vay
giải quyết việc làm tại gia đình anh Đào Văn Hữu (tổ dân phố 4, thị trấn M’Drắk).

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả; chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay giải quyết việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Hiện, nguồn vốn vay giải quyết việc làm tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt trên 181 tỷ đồng với 3.836 khách hàng vay. Nguồn vốn chủ yếu đầu tư vào trồng trọt, kinh doanh buôn bán; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp, thiếu việc làm; phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn như: dệt, may, thổ cẩm...

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Để đáp ứng nguồn vốn vay cho người dân, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện và hàng năm chuyển bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách tỉnh sang Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay đạt hiệu quả./.

CTV