Thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã tạo điều kiện để các hộ gia đình phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu hút thêm nhiều lao động mới của các hộ gia đình nhằm cải thiện và tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt là giải quyết tình trạng thất nghiệp cho lao động trên địa bàn thành phố Huế, huyện Hương Thủy, Hương Trà... trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao tại các địa phương này.

 

Sản phẩm nón lá của làng nghề xã Phú Hồ, huyện Phú Vang

 

Ngoài ra, thông qua chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã tạo điều kiện cho các địa phương có điều kiện để khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống như: làng nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên huyện Phong Điền; làng nghề tre, đan Dạ Lê xã Thủy Phương huyện Hương Thủy; làng nghề chằm nón lá ở xã Phú Hồ; làng hoa giấy Thanh Tiên xã Phú Mậu huyện Phú Vang; làng nghề Đúc đồng phường Đúc thành phố Huế... 

Có thể nói, triển khai và thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, cụ thể: Đã giải quyết cho 10.537 hộ vay vốn phát triển SXKD, qua đó đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 10.896 lao động. Nhiều địa phương thực hiện tốt chương trình, giải quyết cho nhiều lao động có việc làm mới, SXKD có hiệu quả và tỷ lệ nợ quá hạn thấp như: Thành phố Huế, huyện Hương Trà, Hương Thủy, A Lưới, Nam Đông…

 

Một lớp học nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế


Với kết quả mà Thừa Thiên Huế đạt được, đã khẳng định chủ trương, chính sách tín dụng thực hiện hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là đúng, phù hợp với cuộc sống và mang tính xã hội hóa sâu sắc. Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động.

Với mức cho vay được nâng lên tối đa 100 triệu đồng sẽ tạo điều kiện cho người lao động mạnh dạn đầu tư vào các mô hình cây, con đặc sản, mô hình liên kết để có thu nhập cao hơn, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của nhân dân lúc này đang thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng (mức vay trước đây tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP tương ứng là 01 tỷ đồng và 50 triệu đồng). Người lao động không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Về lãi suất vay vốn, tăng lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động thông thường từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (6,6%) như hiện nay lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (7,92%).

Đối với cho vay xuất khẩu lao động: Người lao động tiếp tục được vay vốn với mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết. Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.(Theo NĐ 61 là trên 50 triệu). Đây cũng chính là những điểm mới của Nghị định 74, nhiều thuận lợi hơn, điều kiện cho vay cũng như đối tượng cho vay được mở rộng hơn đã tạo ra nhiều cơ hội cho người lao động.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình vẫn còn một số hạn chế bất cập, ví dụ như việc tăng mức cho vay sẽ thuận lợi cho người dân nhưng vẫn tiềm ẩn khó khăn, nhất là khi nguồn vốn bổ sung cho chương trình cho vay tạo việc làm còn hạn chế trong khi nhu cầu vay vốn của người dân lại rất lớn. Công tác thẩm định của một số dự án, đánh giá hiệu quả kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hồi vốn sau này. Sự phối hợp giữa các hội đoàn thể cấp xã với phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cấp huyện trong công tác đôn đốc thu hồi và xử lý nợ quá hạn mà hầu như đây là nhiệm vụ của NHCSXH.

Để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như Nghị định 74 thực sự đi vào cuộc sống, rất cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thực hiện tốt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với chương trình hỗ trợ, tạo việc làm cũng như chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Có giải pháp tăng trưởng nguồn vốn để cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động./.

Trường Sơn