Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểmthất nghiệp.
Ảnh: Phương Thanh/dangcongsan.vn


Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau hơn 07 năm thực hiện Luật Việc làm, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3% và tỷ lệ số người tham gia BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi tăng theo từng năm. Tuy nhiên, đến năm 2021 tỷ lệ này là 27,19% chưa đạt so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (đến năm 2021, khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN).

Theo đánh giá, đối tượng tham gia BHTN tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm thì đối tượng tham gia BHTN là người lao động có HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 03 tháng trở lên, do đó, người lao động có HĐLĐ từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.

Bên cạnh đó, chưa có quy định về trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng có thuộc đối tượng phải đóng BHTN (theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian này không phải tham gia BHXH bắt buộc), gây khó khăn trong tổ chức thực hiện BHTN.

Chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan BHXH về việc có việc làm của người lao động nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng BHTN. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN.

Luật cũng chưa có quy định về trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về BHTN (do gặp khó khăn về tài chính, phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, không có người đại diện theo pháp luật… dẫn đến chậm đóng, thiếu đóng hoặc không có khả năng đóng đầy đủ BHTN cho người lao động), người lao động gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng BHTN do không đủ điều kiện về đóng BHTN.

Luật Việc làm đã quy định 01 trường hợp bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với người lao động sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp bảo lưu khác chưa được quy định trong Luật (ví dụ: bảo lưu đối với tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo lưu đối với người lao động được xác nhận bổ sung thời gian đóng BHTN sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo lưu đối với người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp…) ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Ảnh minh họa (Nguồn: ĐH)


Bộ LĐ-TB&XH cho biết, định hướng sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, HĐLĐ xác định, không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Về tham gia BHTN, đề xuất bổ sung các quy định về người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không đóng BHTN tháng đó. Bổ sung quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động.

Đồng thời bổ sung quy định việc xử lý đối với trưởng hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN.

Bổ sung quy định về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN.

Về thời gian đóng BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung một số trường hợp được bảo lưu thời gian đóng BHTN./.

PV