Ông Nguyễn Đức Phong, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội
huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước


Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Đức Phong, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết: Thực hiện Nghị định 74/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã chủ động trong phối hợp rà soát hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Lộc Ninh tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo đòn bẩy mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và đảm bảo an sinh xã hội của huyện. 

Với các khoản vay đến 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội, nhiều khách hàng đã sử dụng để mở rộng quy mô chuồng trại; sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả.. nhờ đó gia đình có thu nhập ổn định, vượt qua được giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, thiếu việc làm gây ra. Đến nay, chương trình giải quyết việc làm đã cho vay với tổng dư nợ 25 tỷ 855 triệu đồng với 460 khách hàng vay vốn trong toàn huyện.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 74, anh Trần Văn Cò đã mở rộng quy mô
nuôi chim cút cho thu nhập ổn định


Cùng với cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lộc Ninh chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Cò, Ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh. Gia đình anh Cò là một trong những hộ gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ các chương trình vay ưu đãi trong nhiều năm qua. 

Anh Cò chia sẻ: Vợ chồng anh bắt đầu nuôi chim cút từ năm 2008, tuy nhiên thời điểm đó do vốn ít nên quy mô nuôi chim rất nhỏ. Sau này nhờ địa phương tạo điều kiện và bên Hội Phụ nữ xã giới thiệu để gia đình anh chị được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách dành cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế hộ gia đình.  Ban đầu gia đình anh Cò được vay từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách huyện là 50 triệu, anh chị đã mở rộng đầu tư chuồng trại nuôi chim cút; đồng thời mua thêm dê và bò  giống để nuôi. 

Năm 2021, khi biết đến nguồn vốn vay theo Nghị định 74, gia đình anh tiếp tục làm thủ tục xin vay vốn để mở rộng diện tích trồng cây cao su, nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay với hơn 5 nghìn con chim cút, mỗi ngày anh chị bán ra thị trường hơn 4 nghìn trứng. Ngoài ra anh chị nuôi đàn bò hơn 10 con và trồng cao su. 

“Nhờ nguồn vốn vay cho hộ nghèo, sau này là nguồn vốn vay giải quyết việc làm vợ, với lãi suất ưu đãi, vợ chồng tôi yên tâm để đầu từ mở rộng diện tích và chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Thủ tục vay thực hiện đơn giản, người dân dễ tiếp cận. Tuy nhiên, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để người dân được vay số tiền nhiều hơn để mở rộng diện tích trồng cây cao su của gia đình”. Anh Cò tâm sự.

Gia đình anh Trần Văn Cò còn đầu tư phát triển nuôi bò, giúp gia đình thoát nghèo.


Chị Nguyễn Thị Hợp, Tổ trưởng Tổ Vay vốn Ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh cho biết: “Hiện Tổ Vay vốn của ấp đang quản lý 57 hộ, với số tiền trên 5 tỷ. Từ năm 2013 đến nay, các thành viên của Tổ khi được tiếp cận nguồn vốn vay đều sử dụng hiệu quả, hàng tháng không có lãi tồn, các hộ vay đều trả đúng hạn. Hộ gia đình anh Cò là một trong những tổ viên phát huy rất tốt hiệu quả nguồn vốn vay, phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. 

Chị Hợp cũng cho biết thêm: Từ thực tế của địa phương, đây là xã giáp biên, cuộc sống của bà con nhân dân còn nhiều khó khăn và hiện các tổ viên đều có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi lớn hơn để có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế. Chị Hợp bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước sẽ có thêm những chính sách vay ưu đãi để bà con có cơ hội thoát nghèo, làm giàu vùng biên giới Lộc Thạnh.

Theo ông Nguyễn Đức Phong, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lộc Ninh, bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm những năm qua còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nhân dân, đặc biệt các hộ có thu nhập trung bình, hộ khó khăn kinh tế, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ... nguồn vốn bổ sung và nguồn vốn thu hồi hàng năm chưa đáp ứng được.  Qua các đợt kiểm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri ... chính quyền địa phương đều kiến nghị tăng cường nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ được trải rộng hơn đến các tầng lớp nhân dân, góp phần ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và giúp nhân dân có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định việc làm, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội./.


PV