Theo Sở Lao động, Thương binh – Xã hội tỉnh Lào Cai, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có trên 2.900 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ người lao động tham gia BHTN đạt 81,05%. Để triển khai có hiệu quả chính sách BHTN trên địa bàn, ngành Lao động, Thương binh – Xã hội tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trực tiếp tại các doanh nghiệp, các huyện, thành phố ... để người sử dụng lao động và người lao động thấy được BHTN là chính sách đúng đắn góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội; giúp họ thấy được quyền lợi của mình khi bị mất việc làm, được bù đắp một phần thu nhập, được hỗ trợ học nghề, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được giới thiệu việc làm… Qua đó, được người sử dụng lao động, người lao động trong tỉnh đón nhận, chủ động thực hiện một cách tích cực.



Một buổi tư vấn, giới thiệu việc làm và chính sách BHTN cho người lao động tại Trung tâm
Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai, tháng 5/2020. Ảnh: Hồng Minh/dangcongsan.vn



Theo quy định, chính sách BHTN được giao cho hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm Lào Cai (Trung tâm) thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện. Giám đốc Trung tâm Trương Hồng Trường cho biết, nếu như năm 2010, toàn tỉnh mới có 728 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị tham gia BHTN, thì  đến hết năm 2019, con số này là 2.156 đơn vị với tổng số người lao động tham gia BHTN là  trên 50,2 nghìn người.

Để đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người lao động, Trung tâm đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết chính sách BHTN; tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp đúng chế độ, in và cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho người lao động đúng quy định. Thực tế cho thấy, 100% người lao động đến Trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn quyền lợi và giải quyết chế độ đúng quy định của pháp luật, đồng thời người lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm kiếm việc làm và học nghề đều được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề đúng quy định của pháp luật.

Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có trên 7.900 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, số người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt trên 7.900 người với tỷ lệ nữ chiếm trên 45%, lao động độ tuổi từ 25-40 chiếm tỷ lệ cao gần 69% trên tổng số lao động hưởng chế độ BHTN. Bên cạnh đó, đã có trên 30 nghìn lao động  được tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề (bao gồm cả số lao động thất nghiệp).

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa phương, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH nói chung và BHTN nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã có trên 49 nghìn người tham gia BHTN, đạt 75% kế hoạch năm, đồng thời đã chi trả bảo hiểm thất nghiệp 12,77 tỷ đồng nhằmđảm bảo quyền lợi cho người lao  động.

Thực tế cho thầy, khi người lao động bị mất việc, chủ doanh nghiệp không phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động; nhờ có BHTN, mà gánh nặng ngân sách của Nhà nước khi có thất nghiệp xảy ra được giảm bớt. Đồng thời, chính sách BHTN đã có những tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội, thể hiện tính nhân văn, tinh thần đoàn kết của người lao động và chủ sử dụng lao động đối với những lao động bị mất việc. Với những lợi ích mang lại, BHTN đã từng bước đi vào cuộc sống và thực sự trở thành “phao cứu sinh” của nhiều lao động trong lúc khó khăn góp phần làm ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách BHTN ở Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế bởi trong công tác thu BHTN ở một số đơn vị nhất là đơn vị doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn nợ đọng BHTN kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi khi người lao động nghỉ việc; đa số lao động thất nghiệp chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến chế độ được hỗ trợ về học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh chưa thực hiện thông báo định kỳ với cơ quan chức năn về tình hình biến động lao động theo quy định…

Chính vì vậy, để chính sách BHTN ngày càng toàn diện, hiệu quả cần có nhiều biện pháp cần phải được tiến hành trong thời gian tới. Cụ thể, cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách BHTN giúp họ ý thức được lợi ích của BHTN để tự đòi hỏi, bảo vệ quyền lợi của mình trước người sử dụng lao động, loại bỏ tâm lý chủ quan, ỷ lại. Đồng thời, cần làm rõ các phương thức trục lợi, thông tin về các trường hợp bị xử lý vi phạm (nếu có) để người lao động biết, qua đó nâng cao sự trung thực của người lao động trong thực hiện các quy định về BHTN.

Từ thực tế trên cho thấy, chính sách BHTN, chính sách việc làm không nên chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp; mà cần quan tâm hơn đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm.

Đặc biệt, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách  thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHTN như thực hiện giao dịch điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, cơ sở dữ liệu về BHTN; chia sẻ dữ liệu thu - chi và giải quyết các chế độ BHTN, tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua mạng internet…trong tổ chức thực hiện BHTN.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHTN nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN để có các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời./.


Hồng Minh