Với mục tiêu góp phần tích cực ổn định thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực và trợ giúp người lao động ổn định việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum  đã phối hợp Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các huyện, thành phố thực hiện cho vay vốn dự án về giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, chủ yếu dự án vay là hộ gia đình. Thông qua đó người dân Kon Tum đã tiếp cận hiệu quả các chính sách an sinh xã hội mà Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh triển khai. Từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương, nhiều đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, lao động thuộc diện mồ côi khi tham gia xuất khẩu lao động đều được hỗ trợ vay vốn với nhiều chính sách ưu đãi.

Cán bộ NHCSXH kiểm tra đồng vốn đầu tư phát triển cao su tiểu điền tại huyện Sa Thầy.
Ảnh: Văn Chiến/dangcongsan.vn


Cũng như nhiều nông dân khác, cuộc sống của gia đình ông Vũ Mạnh Khải từng gặp nhiều khó khăn trong ngày đầu đến lập nghiệp tại  huyện Sa Thầy. Nhưng cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn NHCSXH, ông đã biết cách tận dụng nguồn vốn với lãi suất ưu đãi này để thoát nghèo rồi vươn lên làm giàu.

Từ một khu vườn nhỏ, giờ trang trại của ông mở rộng đến gần 24 ha, trong đó có 17 ha cao su, 4 ha cà phê, 2 ha cây ăn quả, còn lại là ao cá, chuồng trại với gần 100  con lợn bản địa, hàng trăm con gà sao. Mô hình trang trại của ông được xem là một trong những mô hình trang trại tổng hợp hiệu quả nhất của huyện Sa Thầy, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.

Dõi theo từng dòng vốn ưu đãi giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh, tại thành phố Kon Tum đã có một số mô hình chuyển hướng sản xuất thoát nghèo vươn lên làm ăn khá. Điển hình như bà Y Bi, dân tộc Ba Na ở làng Ko Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Vài năm trước, bà vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Số tiền đó bà mua 2 con bò về nuôi, đến nay đàn bò đã lên tới 16 con. “Trước đây, gia đình tôi khó khăn, vất vả, được NHCSXH cho vay tiền để nuôi bò. Nhờ chịu khó chăm sóc đàn bò mau ăn chóng lớn, lại sinh sản nhanh. Gia đình tôi không những đã trả hết nợ mà còn có của ăn của để, mỗi tháng còn gửi tiết kiệm vào NHCSXH cả triệu đồng ” - Bà Y Bi phấn khởi tâm sự.

Còn gia đình ông A Thi, người dân tộc Xơ Đăng ở làng Kon Tu Rốp 2, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô. Cũng là nhờ vốn ban đầu của NHCSXH. Mới ở tuổi 36, A Thi đã có trong tay 24 hec ta cây công nghiệp và hồ nuôi cá; mỗi năm thu nhập khoảng 2 tỷ đồng và vừa đựợc vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”.

Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc  NHCSXH tỉnh Kon Tum cho biết số dư nợ  từ nguồn vốn  cho vay giải quyết việc làm  của NHCSXH tỉnh đến ngày 26/5/2020 là 220,66 tỷ đồng với 6.173 lao động vay vốn. Hầu hết các lao động vay vốn  đã sử dụng đồng vốn có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều lao động đạt mức thu nhập cao đã giúp gia đình thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Năm 2020, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động trên 35,2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 25 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương 10,2 tỷ đồng. Mỗi lao động có thể vay tới 100 triệu đồng theo Nghị định 74 của Chính phủ mới ban hành để duy trì và mở rộng việc làm, chuyển hướng sản xuất hàng hóa nông sản có giá trị nhất là lao động ở nông thôn.

Có thể khẳng định, việc thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để giải quyết việc làm cho người lao động của NHCSXH tỉnh đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là giúp cho người lao động, sinh viên mới ra trường khởi nghiệp, có vốn để sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.    



PV