Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tân Kỳ đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể triển khai có hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, từ đó tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Để góp phần giữ ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, các cấp, ngành của huyện thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Là đơn vị giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng.
Trụ sở Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Kỳ
Kết quả thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn huyện tính đến 30/9/2022: Trong đó, Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP đạt 6.800 triệu đồng với 136 lao động được vay vốn; Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mưa máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến theo quyết định 09/2022/QĐ-TTg đạt 6.000 triệu đồng, giúp 600 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện mua thiết bị học trực tuyến; Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được 80 triệu đồng, 01 cơ sở vay vốn.
Nhiều tấm gương tiêu biểu của huyện trong SXKD, chăn nuôi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã xuất hiện. Điển hình như gia đình anh Trần Khắc Trì xóm Tân Minh, xã Tân Hương vay 90.000.000 đồng từ nguồn vốn chương trình hộ Mới thoát nghèo để phát triển mô hình chăn nuôi trâu bò và ươm cây giống, hiện nay gia đình có 2 con trâu bò sinh sản và 2 vườn ươm cây giống rộng hơn 1 ha. Ngoài ra gia đình còn vay 25.000.000 đồng chương trình HSSV cho con theo học Đại học tại Hà Nội. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Hoài địa chỉ khối 6 Thị Trấn Tân Kỳ vay 50.000.000 đồng chương trình Giải quyết việc làm về để mợ xưởng mộc đóng đồ nội thất tại Khối 6, Thị Trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ. Hiện nay Mô hình của chị đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương.
Từ nguồn vốn vay, gia đình anh Trì đầu từ phát triển mô hình chăn nuôi bò đem lại thu nhập cao
Tuy nhiên nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP còn ít, chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu vay vốn của người lao động trên địa bàn. Nên hầu như các xã đều đề xuất tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo nghị quyết số 11/NQ-CP. Để chính sách tín dụng này tiếp tục đi vào cuộc sống, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần quan tâm, xem xét cấp thêm nguồn vốn cho chương trình cho vay giải quyết việc làm, làm cơ sở để các địa phương thực hiện giải ngân theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, từ đó giúp các gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm trong việc duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh; Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội trong xây dựng kế hoạch tạo việc làm và giải ngân nguồn vốn; Ưu tiên cho vay các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp; ưu tiên cho vay đối với lao động là người khuyết tật, lao động thanh niên, phụ nữ nông thôn.