Huyện Nhà Bè thực hiện hiệu quả Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đối với nhóm đối tượng gồm hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội; nhóm người lao động bị mất việc làm, người lao động tự do... bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời đây cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng để ổn định lòng dân, giữ vững an ninh trật tự, duy trì an toàn xã hội. Vì vậy, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương cùng chung tay chăm lo cho người dân trên tinh thần công tâm, công bằng, kịp thời, góp phần giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt.
Bà Lê Thị Anh Thư, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè
Về việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bà Lê Thị Anh Thư, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: Ngay khi nhận được các văn bản chỉ đạo, huyện Nhà Bè đã phối hợp với ban điều hành các xã, ấp, khu phố và đoàn thể tuyên truyền đến các cá nhân, hộ gia đình hoặc hội viên thuộc đối tượng được hỗ trợ, đồng thời tiến hành rà soát, xác minh, thẩm định hồ sơ để thực hiện chi trả đảm bảo đúng đối tượng. Đồng thời, hàng tuần huyện tiến hành giao ban 2 lần với các xã, các ngành liên quan để kiểm tra tiến độ báo cáo, rà soát công tác phối hợp đúng đối tượng, đánh giá đúng mức hỗ trợ.
Đến nay, huyện đã chi trả đến 356 người có công cách mạng được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, 1999 đối tượng bảo trợ xã hội, 506 nhân khẩu nghèo, 2.060 nhân khẩu cận nghèo và gần 200 giáo viên, với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện đã chi trả hỗ trợ cho 125 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm với số tiền 125 triệu đồng. Ngoài ra, huyện quyết liệt tiến hành chi trả cho khoảng 1.000 lao động không ký kết hợp đồng lao động, trên số khảo sát 3.200 lao động. Các đối tượng này đều được rà soát rất kỹ, sàng lọc, niêm yết, công khai danh sách, tránh trường hợp bị trùng lặp, nhận nhiều lần trợ cấp.
Cán bộ Phòng LĐ-TBXH huyện Nhà Bè, xem xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19
Bà Lê Thị Anh Thư chia sẻ: Hiện nay, huyện tập trung triển khai đến các doanh nghiệp sử dụng người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, hướng dẫn cho các doanh nghiệp nộp hồ sơ, hỗ trợ cho công nhân theo Nghị định 42/NĐ-CP. Qua rà soát, các doanh nghiệp khi thực hiện xác nhận hồ sơ cho công nhân theo quy định còn chậm, nhưng UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo các Ban ngành, Chi cục thuế xã, ấp… triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ và nhanh chóng chi trả trực tiếp phần hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Dự kiến, đến cuối tháng 6 huyện sẽ chi trả hết khoản hỗ trợ cho các đối tượng lao động được thụ hưởng, để giúp họ trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh với phương châm không để sót bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ còn gặp một số khó khăn, do người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gặp khó khăn, mặc dù huyện huy động hệ thống chính trị tích cực tuyên truyền nhưng việc hỗ trợ người lao động tại một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện chưa đảm bảotiến độ. Bà Lê Thị Anh Thư nhấn mạnh.
Một xã đi đầu trong thực hiện chi trả gói 62.000 tỷ, Bà Trần Thị Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết “Để thực hiện tốt việc lựa chọn, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, UBND xã Phú Xuân đã thông tin trên đài phát thanh xã đến cho người dân biết về chế độ thụ hưởng theo Nghị định 42/NĐ-CP . Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo, UBND xã đã lập danh sách và có niêm yết danh sách trong 3 ngày làm việc tại trụ sở và văn phòng UBND và 6 ấp để người dân biết nắm thông tin. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền từ lực lượng các hệ thống chính trị địa phương, đài phát thanh xã đến tận người dân, để người dân nắm rõ. Chính vì vậy, xã Phú Xuân luôn nhận được sự đồng thuận của người dân, công tác lập danh sách và chi trả hỗ trợ cho dân thuận tiện và tiền hỗ trợ đến tận tay người dân. Đặc biệt, sau khi nhận hỗ trợ kịp thời, có nhiều người dân xã đã gửi lời cảm ơn lãnh đạo từ Trung ương đến Thành phố, cũng như lãnh đạo huyện, địa phương đã hỗ trợ họ chống chọi qua tháng 4 - tháng trọng tâm của dịch. Bên cạnh đó xã đang hoàn tất thủ tục hỗ trợ người dân lao động trên địa bàn và đang chờ danh sách của huyện để tiến hành hỗ trợ tiếp theo đúng quy định”.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, trú tại tổ 17, ấp 2, xã Phú Xuân, người đã được nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ
Là đối tượng người tàn tật sớm được thụ hưởng chính sách trên, anh Nguyễn Thanh Hùng ( trú tại tổ 17, ấp 2, xã Phú Xuân) không giấu nỗi niềm vui, sự xúc động, chia sẻ: Bản thân liệt chân từ nhỏ. Chân bị teo quắp đi lại khó khăn cộng thường xuyên đau ốm, nên anh không làm được việc nặng. Bên cạnh đó, cả nhà trông chờ và mưu sinh bằng nghề sửa chữa xe đạp của anh. Thời gian qua, cửa hàng vắng khách, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, không biết bấu víu vào đâu.
Anh Nguyễn Thanh Hùng rưng rưng tâm sự: Dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đời sống người dân. Người bình thường còn khó kiếm ăn, huống hồ bị tàn tật như tôi. Vì vậy, số tiền hỗ trợ 3 triệu chính là chiếc phao cứu sinh giúp người nghèo, người yếu thế như chúng tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn trong đại dịch. Tôi không biết nói gì hơn ngoài việc cảm ơn Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm, chăm lo đến đời sống của người dân và người tàn tật như tôi./.