Nhiều người dân được vay vốn sản xuất
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch COVID-19, nhưng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH được huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) triển khai đa và đang phát huy hiệu quả, giúp cho nhiều hộ gia đình có vốn mở rộng SXKD, tạo thêm việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.
Bà Mai Thị Nhung (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) là một trong những hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm thông qua phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh.
Bà Nhung chia sẻ, bà được vay 50 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm để kinh doanh hàng tạp hóa tại địa phương để nâng cao thu nhập. Dù không lớn nhưng khoản thu nhập này cũng giúp cho gia đình bà thoát nghèo trước bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh.
Gia đình bà Vũ Thị Hường (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng được vay vốn 50 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm thông qua phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh.
Bà Hường cho biết, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng, gia đình bà đã cải tạo ao hồ, nuôi tôm, giải quyết việc làm cho 4 lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, gia đình bà cũng nuôi thêm gia cầm trong diện tích sản xuất để nâng cao thu nhập.
Bà Mai Thị Nhung (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) được vay 50 triệu đồng từ Quỹ quốc gia việc làm để sản xuất kinh doanh
Vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến ngày 31/10/2021, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Quảng Ninh đạt 40 tỉ đồng với 1.000 hộ được vay vốn, tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động.
Hiệu quả cho vay vốn đầu tư từ Ngân hàng Chính sách xã hộI tỉnh đã khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo mở việc làm, thu hút thêm lao động vào làm việc, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt những cây con có giá trị kinh tế cao, phát triển ngành nghề mới, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất, dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng tích cực.
Vốn vay đã góp phần phát triển sản xuất, tạo nhiều chỗ làm việc, tăng thu nhập cho người lao động. Có hàng nghìn hộ dân đã có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế. Nhiều hộ từ xuất phát điểm hộ nghèo, sản xuất nhỏ lẻ đã phát triển, mở rộng quy mô, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể thấy, đồng vốn đã được người dân sử dụng đúng mục đích có hiệu quả, nhờ đó tỷ lệ thu hồi vốn đến hạn trả đạt cao, tỷ lệ rủi ro thấp, vốn trả đúng hạn đạt tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Ninh, nhu cầu về việc làm vẫn là vấn đề dành nhiều sự quan tâm đối với từng gia đình và xã hội, nhất là đối với tầng lớp trẻ - mong muốn có việc làm nhưng khả năng tạo việc làm do thiếu vốn vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu.
Gia đình bà Vũ Thị Hường (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) được vay vốn 50 triệu đồng cải tạo ao hồ, nuôi tôm.
Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn tăng nhưng vẫn chậm, thậm chí còn giảm ở một số địa bàn thực hiện sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển cơ sở hạ tầng nên đã dẫn đến một số tồn tại như: Nhu cầu vốn của Nhân dân lớn nhưng ngân sách Nhà nước đầu tư còn hạn chế, chỉ đáp ứng được một số bộ phận nhu cầu vay vốn của Nhân dân; chất lượng việc làm và hiệu quả đầu tư vốn chưa cao; đặc biệt, dự án vay hộ gia đình chưa thật sự có hiệu quả, chỉ cải thiện được tình trạng làm việc (tăng thời gian lao động), chưa tạo thêm nhiều việc làm mới.
Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Quảng Ninh xác định sẽ kiến nghị tăng cường huy động các nguồn vốn để bổ sung hàng năm tập trung cho Ngân hàng CSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người dân trên địa bàn./.