Bà Trịnh Thị Bích Hiền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hớn Quản
Với phương châm hoạt động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” Ngân hàng Chính sách xã hội luôn đồng hành sát cánh, mang vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người dân nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Thị Bích Hiền, Giám đốc Ngân hàng Chính sác Xã hội huyện Hớn Quản cho biết: Thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hớn Quản, nhiệm kỳ 2020- 2025, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị- xã hội và các ngành liên quan đến việc thực hiện Nghị định 74/NĐ-CP về hỗ trợ tạo việc làm duy trì mở rộng việc làm, ngân hàng chính sách huyện đã triển khai có hiệu quả, giúp tạo việc làm cho nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; trong đó có nhiều đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hớn Quản có 12 điểm giao dịch ở các xã trên địa bàn. Hàng tháng vào ngày giao dịch cố định, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phân công đầy đủ cán bộ thực hiện nhiệm vụ của tổ giao dịch. Khi khách hàng đến giao dịch tại các Điểm giao dịch xã, thì cán bộ Ngân hàng kịp thời thực hiện tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, quy định trong vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận.
Cùng với đó, hoạt động của tổ giao dịch lưu động thời gian qua cũng được thực hiện nghiêm túc, dưới sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hơn Quản, và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bình Phước. Qua đó nhằm kịp thời rút kinh nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng giao dịch xã. Hoạt động giao dịch tại các Điểm giao dịch xã đã đi vào nề nếp, ổn định. Các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực phối hợp với tổ giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong việc hướng dẫn khách hàng đến giao dịch, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn làm thủ tục giao dịch với Ngân hàng giúp cho việc giao dịch được nhanh chóng, thuận lợi.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 74 đã giúp vợ chồng chị Phương (áo đen) có thể mua cây giống mở rộng diện tích trồng cao su để tự mình làm chủ thay vì đi làm thuê như trước
Vào ngày giao dịch tại xã, thị trấn cán bộ tín dụng được phân công theo dõi địa bàn, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, đồng thời phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tổ chức họp giao ban hàng tháng để đánh giá những kết quả thực hiện, giải quyết kịp thời những tồn tại vướng mắc, từ đó, đưa ra những phương hướng, giải pháp thực hiện cho tháng tiếp theo…
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch lưu động, thời gian qua, công tác tín dụng đã phát huy được hiệu quả, chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng cao; hiệu quả hoạt động giao dịch của các Điểm giao dịch xã hàng năm được xếp loại Tốt.
Đến nay, thực hiện Nghị định 74, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giúp cho 530 lao động tạo việc làm, với dư nợ hơn 33 tỷ đồng để người dân thực hiện đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, tăng thu nhập ổn định cuộc sống… Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu hằng năm của huyện về giảm nghèo bền vững,giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong quá trình thực hiện chương trình, bà Hiền cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện gặp một số khó khăn, đó là: Hiện trên thực tế nhu cầu vay vốn của người dân đối với chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhiều trên địa bàn huyện, tuy nhiên nguồn vốn phân bổ về huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân. Để đáp ứng được nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hớn Quản sẽ tham mưu cho UBND huyện cân đối nguồn ngân sách địa phương qua để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tranh thủ nguồn vốn phân bổ về tham mưu kịp thời với lãnh đạo để người dân được tiếp cận nhanh chóng; thực hiện rà soát kỹ đối tượng được cho vay, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng được thụ hưởng.
Bà Trịnh Thị Bích Hiền nhấn mạnh: Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hớn Quản tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã; tăng cường rà soát, cập nhật các văn bản, quy định, chính sách mới tại các điểm giao dịch để người dân nắm bắt, tiếp cận các nguồn vốn vay nhanh chóng.