Để góp phần giữ ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, các cấp, ngành của huyện thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Là đơn vị giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Lô đã triển khai đầy đủ, kịp thời, giải ngân nhanh, đúng đối tượng. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người lao động tiếp cận nguồn vốn thuận lợi.
Tính đến tháng 30/11/2022, tổng dư nợ mà Phòng giao dịch NHCS huyện đã giải ngân đạt: 392.404 triệu đồng, với 8.934 khách hàng được vay vốn tăng 13,21% so với đầu năm. Riêng chương trình cho vay Giải quyết việc làm là 139.035 triệu đồng, tăng 49.643 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều lao động đã đầu tư vào các mô hình sản xuất cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…tạo thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ.
Đầu năm 2019, hộ Ông Nguyễn Văn Thi ở thôn Đoàn kết, xã Đồng Quế  được vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn vay cận nghèo. ông đã sử dụng một phần số tiền để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi bò. Ông Thi xây mới chuồng trại đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, qua đó đã giúp cho đàn bò của gia đình ông phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Phần tiền còn lại, ông đầu tư vào 2 ha ao nuôi cá, tổng thu nhập đạt trên 300 triệu đồng. Có đời sống kinh tế như hiện nay, ông Thi cho biết phần lớn là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò từ vốn vay cận nghèo

Cũng như gia đình ông Thi, xuất phát điểm chỉ là chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, đầu năm 2022, bà La Thị Thế, thôn Dân Chủ xã Hải Lựu mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Lô để phát triển kinh tế cho gia đình. Sau khi đầu tư nâng cấp chuồng trại xong, bà cũng đã mua thêm mấy con bò để nuôi. Chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình bà Thế đã trở thành một trong những điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm của địa phương, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho cả gia đình. 

Mô hình chăn nuôi của gia đình bà La Thị Thế, thôn Dân Chủ xã Hải Lựu

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Lô cho biết: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình lao động, giải quyết việc làm tại địa phương. Tình trạng người dân không đi làm xa, ở lại địa phương muốn tìm sinh kế tại chỗ, nhưng thiếu vốn sản xuất khá phổ biến. Nắm chắc nhu cầu trên, chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, thẩm định hồ sơ, tư vấn mô hình kinh doanh phù hợp với từng đối tượng vay vốn. Nhờ đó, nhiều lao động trên địa bàn đã kịp thời vay được tiền để giải quyết việc làm, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mang lại thu nhập cao.
Ông Bảy cho biết thêm, thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách vay vốn giải quyết việc làm, giúp các lao động, hộ sản xuất, kinh doanh phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay. Để phát huy hơn nữa hiệu quả giải quyết việc làm tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người lao động, chúng tôi rất mong cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, cân đối nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng cho vay giải quyết việc làm.


PV