Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Yên hướng dẫn người dân xã Ngọc Vân tiếp cận vốn.
Theo ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang, hiện nay, doanh số cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt gần 280 tỷ đồng với hơn 4,1 nghìn khách hàng được vay vốn; số lao động được tạo việc làm đạt gần 7,6 nghìn người; doanh số thu nợ đạt gần 87,5 tỷ đồng.
Một số địa phương trên địa bàn tỉnh có doanh số cho vay cao như: Huyện Yên Dũng (hơn 38 tỷ đồng); huyện Lạng Giang (hơn 33,4 tỷ đồng); huyện Việt Yên (gần 32,3 tỷ đồng); huyện Tân Yên (24,4 tỷ đồng); huyện Lục Nam (21,4 tỷ đồng). Đến nay, tổng dư nợ của nguồn Quỹ đạt hơn 526,5 tỷ đồng với gần 8,9 nghìn khách hàng đang có dư nợ; chất lượng tín dụng an toàn vì tỷ lệ nợ quá hạn thấp (năm 2021 chiếm 0,02%/tổng dư nợ).
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm vẫn còn những khó khăn, bất cập. Đối tượng vay vốn tập trung vào nhóm hộ gia đình, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhỏ lẻ nên hiệu quả tạo việc làm mới còn hạn chế.
Ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang chia sẻ, nguyên nhân là do nguồn vốn T.Ư phân bổ vào Quỹ khá khiêm tốn (68,9 tỷ đồng năm 2015), số cho vay hiện nay chủ yếu từ vốn quay vòng hằng năm.
Trong tổng số 16 chương trình cho vay vốn hiện nay thì dư nợ của nguồn quỹ này chỉ chiếm 5,6% tổng dư nợ của ngân hàng. Vì thế, Quỹ chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn ngày càng nhiều của người dân và các cơ sở sản xuất.
Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát tốt dư nợ thông qua việc triển khai chặt chẽ các khâu trong quá trình giải ngân, nhất là khâu thẩm định hồ sơ vay vốn. Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Nam chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, dựa trên kế hoạch đã xây dựng, đơn vị cử cán bộ về cơ sở giao ban với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác và các tổ tiết kiệm khảo sát nhu cầu vay vốn tại từng xã, lập danh sách báo cáo để phân bổ.
Sau khi giải ngân, thường xuyên giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng và vận động trả nợ đúng hạn. Đặc biệt, ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, con giống để mô hình sản xuất của các hộ vay vốn phát triển tốt.
Trước khi hoàn thiện hồ sơ và tiến hành giải ngân, ngân hàng quan tâm phối hợp với ngành, địa phương liên quan để thẩm định theo quy trình, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Đối với huyện Lạng Giang, dựa trên kết quả thẩm định, ngân hàng ưu tiên lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, có tính khả thi để dồn vốn, bảo đảm cho vay tối đa theo hạn mức, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Ngân hàng CSXH luôn thẩm định theo quy trình, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Để duy trì và phát huy hiệu quả của Quỹ, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, địa phương kiến nghị Chính phủ cân đối, hằng năm cấp bổ sung kinh phí. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, ủy thác cho Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm; tăng cường hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao giá trị kinh tế của mô hình sản xuất, bảo đảm đời sống, thu nhập cho người dân.
Đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó có nhiều chính sách tín dụng ưu đãi. Vì vậy, năm 2022 nguồn vốn T.Ư phân bổ cho Quỹ được 160 tỷ đồng; lãi suất với các khoản vay có mức từ 6%/năm trở lên được giảm 2%/năm. Đây sẽ là cơ hội tốt để nhiều người dân tỉnh Bắc Giang tiếp cận nguồn vốn, xây dựng thành công mô hình sản xuất./.