Xóa bỏ tâm lý ỷ lại

Trước năm 2016, hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và từ năm 2016 đến nay, được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định 61/2015/NĐ-CP (nay được thay thế bằng Nghị định 74/2019/NĐ-CP).

Theo Nghị định 74/2019/NĐ-CP, mức vay được nâng lên tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động (trước đây là 50 triệu đồng); cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay mức tối đa 2 tỷ đồng/dự án. Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng). Lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng, bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo là 7,92%/năm (trước đây bằng lãi suất cho vay với hộ nghèo mức 6,6%/năm).

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), những điều chỉnh này tạo thuận lợi để người dân tiếp cận, phát huy hiệu quả nguồn vốn; xóa bỏ tâm lý ỷ lại, tạo động lực và trách nhiệm khi thực hiện chính sách ưu đãi. 

Có thể thấy, đây là chính sách hết sức ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến người dân, tạo điều kiện cho người dân khôi phục lại kinh tế của gia đình, góp phần ổn định phát triển kinh tế, xã hội.

Để chính sách đi vào đời sống, ông Hoàng Văn Thắng cho biết, trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), các hội, đoàn thể nhận ủy thác ở địa phương để triển khai cho vay.

Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang luôn hỗ trợ tối đa người dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ

Cơ hội thoát nghèo cho người dân

Tháng 5/2022, gia đình anh Nguyễn Văn Phú (SN 1979), ở thôn Hòa Nội, xã Khám Lạng (Lục Nam) vay số tiền 100 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm. Đây là lần thứ hai anh được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi này. 

Trước đó, vào năm 2018, khi được vay 50 triệu, anh dành tiền thuê máy làm đất, mua sắm máy bơm phục vụ tưới tiêu cho hơn 10 sào đất trồng bưởi Diễn. Lần này, số tiền được vay gấp đôi, cùng với vốn tích lũy của gia đình, anh đầu tư mở rộng thêm hơn 5 sào trồng loại cây ăn quả này. 

Anh Phú cho biết, khi mới lập gia đình, cuộc sống rất khó khăn, hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, cả nhà chỉ trồng mấy sào lúa, vì vậy con cái cũng ít có điều kiện học tập. 

Nhờ mở rộng sản xuất, lại được vay vốn ưu đãi từ nguồn ủy thác của Hội Nông dân xã, anh Phú đã nuôi một quyết tâm thoát nghèo. Sau một thời gian nỗ lực, cố gắng, giờ đây, với khoảng 400 cây bưởi cho thu hoạch, bình quân mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh lãi gần 200 triệu đồng.

Mô hình trồng bưởi của gia đình anh Nguyễn Văn Phú


Chị Vi Thị Tuyến (SN 1985), thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chồng và con trai chị mất mấy năm trước, hiện chỉ còn chị và cô con gái nhỏ sống nương tựa vào nhau.

Tuy nhiên, kể từ khi biết đến nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Tuyến đã mạnh dạn vay vốn để tìm cơ hội thoát nghèo.

Với số tiền vay 50 triệu đồng được vay từ năm 2019, chị Tuyến được chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hướng dẫn sinh kế phù hợp. Từ đôi bò sinh sản ban đầu, đến nay, chị đã xuất bán được 2 lứa. 

Từ nguồn vốn này, chị Tuyến mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để tăng thu nhập. Trong đợt rà soát cuối năm 2021, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

                                                                                          


PV