Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân kịp thời đã đáp ứng nhu cầu vốn SXKD của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tại huyện Nông Sơn, nhiều mô hình sinh kế, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, bền vững cũng đã hình thành và phát triển nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Trong đó, phải kể đến trường hợp bà Nguyễn Thị Lâm (thôn Xuân Hòa, xã Phước Ninh). Được hỗ trợ vay 100 triệu đồng giải quyết việc làm từ đầu năm 2021, bà Lâm quyết định đầu tư số vốn này cùng với số vốn gia đình có được để chăn nuôi bò. “Ở nông thôn ngoài làm ruộng thì chăn nuôi là chủ yếu. Thế nhưng, vì không có vốn nên chúng tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, gặp nhiều khó khăn và ít mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ có nguồn vốn vay, gia đình tôi đã làm được mô hình chăn nuôi bò như hiện nay, giải quyết được việc làm cho hai vợ chồng.
Để chăn nuôi hiệu quả, gia đình tôi đã nghiên cứu làm chuồng trại đúng khoa học, tận dụng diện tích trồng cỏ, học kỹ thuật ủ chua cỏ để bảo quản và dự trữ thức ăn thô xanh cho bò trong mùa mưa bão sắp đến. Nếu thuận lợi, sắp tới tôi sẽ mở rộng đàn bò và nuôi thêm bò thịt”, bà Lâm chia sẻ.
Ra đời trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát không lâu, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (TP. Tam Kỳ), chủ cơ sở chế biến trà nhài Best One cho biết đã gặp không ít khó khăn để duy trì hoạt động. Từ nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, cơ sở của chị đã có điều kiện sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên tại địa phương với mức thu nhập ổn định. 
Không chỉ hỗ trợ cho các gia đình có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều mô hình vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm ở Quảng Nam cũng đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập để người dân ổn định cuộc sống, nhất là đối với lao động ở khu vực nông thôn.
Phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình, từ nguồn vốn vay hơn 100 triệu đồng để chăn nuôi heo, chị Phan Thị Tư (huyện Phú Nina) còn tạo thêm việc làm cho 4 lao động tại địa phương, kinh tế gia đình cũng nhờ đó ổn định hơn.
“Với nghề chăn nuôi gia đình duy trì từ lâu, nay được hỗ trợ vay vốn, gia đình tôi đầu tư vào chăn nuôi heo sạch. Nhờ có kỹ thuật chăn nuôi, trung bình mỗi năm gia đình tôi xuất chuồng được 3 lứa, doanh thu trên dưới 700 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, đời sống gia đình ổn định hơn”, chị Tư nói.
Được biết, Quảng Nam là vùng thường xuyên ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, đặc biệt từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, cũng như hoạt động tín dụng chính sách bị ảnh hưởng không nhỏ. Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách dù vẫn được tỉnh quan tâm tăng hàng năm, nhưng so với nhu cầu thực tế của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vẫn còn hạn chế.

Hầu hết dự án vay vốn giải quyết việc làm được người dân đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh tổng hợp.

Để giải quyết vấn đề này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã đặt mục tiêu cho giai đoạn tới đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ NHCSXH cung cấp. Phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ bình quân từ 8 - 10%/năm.
Chi nhánh tiếp tục tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH tăng tối thiểu 20%, đồng thời đề nghị cấp thẩm quyền quan tâm cân đối nguồn vốn phù hợp, đáp ứng đủ để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng đề nghị cấp trên xem xét ban hành cơ chế tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình nhằm góp phần tạo điều kiện cho đối tượng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế, ổn định đời sống; quan tâm cân đối, bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng cho NHCSXH theo kế hoạch xây dựng, nhất là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm./.



CTV