Xác định việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo...Ngay từ tháng 2 năm 2022 Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Sơn đã bám sát vào định hướng của cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan liên quan như: Phòng Nông nghiệp, Phòng khuyến nông, trung tâm dạy nghề của huyện và UBND các xã để định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề chủ lực của huyện chú trọng và tập trung triển khai cho vay kịp thời nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP) đến những lao động chưa có việc làm ổn định, đặc biệt là lao động bị mất việc làm phải trở về địa phương do bị ảnh hưởng bợi đại dịch Covid-19, kết quả thực hiện đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm như sau: Tổng doanh số cho vay 11 tháng đầu năm ước đạt 10.561 triệu, giải quyết việc làm cho gần 140 lao động, tổng dư nợ ước đến 30/11/2022 đạt 18.520 triệu đồng, với gần 280 lao động còn dư nợ.
Xuất phát điểm chỉ là xưởng sản xuất ván bóc nhỏ, do diện tích xưởng không đủ quy mô, tháng 5 năm 2022, anh Triệu Tài Cần, Khu Bặn, xã Thu Cúc mạnh dạn vay 175 triệu đồng có thế chấp từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Sơn để mở rộng quy mô cũng như đầu tư thêm máy móc. Chỉ sau mấy tháng, cơ sở của anh Cần đã trở thành một trong những điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm của địa phương với doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương. Anh Cần chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi xưởng chỉ sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ có nguồn vốn vay từ ngân hàng, tôi đã mở rộng quy mô kinh doanh, lượng khách hàng ổn định và đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Phát triển sản xuất nhờ nguồn vốn vay gải quyết việc làm


Đầu năm 2022, bà Hà Thị Ánh Lâm, Khu Cón, xã Thu Cúc được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Bà đã sử dụng một phần số tiền để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi Dúi sinh sản. Bà xây mới chuồng trại đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đàn Dúi đã phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Phần tiền còn lại, bà đầu tư vào ao nuôi cá, trồng rừng. Mỗi năm, bà xuất bán 2 lứa cá, thêm nguồn thu từ gần 2 ha cây keo, tổng thu nhập đạt trên 200 triệu đồng. Có đời sống kinh tế như hiện nay, bà Lâm cho biết phần lớn là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất.

Mô hình nuôi Dúi của gia đình bà Lâm


Theo ông Tăng Tiến Sỹ Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Sơn cho biết; Hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Tân Sơn luôn nhận được sự quan tâm của NHCSXH tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ, của tỉnh, của huyện đã được NHCSXH huyện truyền tải đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời, góp phần không nhỏ để giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu tạo việc làm, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Ông Tăng Tiến Sỹ Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Sơn


“Bên cạnh nguồn vốn giao tăng trưởng hằng năm có nguồn gốc từ trung ương, rất mong Huyện ủy-HĐND-UBND huyện quan tâm, cân đối bổ sung nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách huyện để Phòng giao dịch triển khai cho vay cơ bản đáp ứng nhu cầu của người lao động”- ông Sỹ nói.


PV