Một trong những minh chứng cụ thể nhất đó chính là Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một chính sách được đánh giá rất nhân văn, kịp thời nhằm giúp nhân dân vượt qua thời điểm khó khăn bởi đại dịch, quá đó giúp nền kinh tế sớm phục hồi. Trong đó, một trong năm chương trình tín dụng quan trọng mà Nghị quyết 11 đưa ra đó chính là tiếp tục cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch vay vốn theo quy định tại Nghị định 74 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Ngay sau khi chính sách đi vào cuộc sống, hệ thống Ngân sách chính sách xã hội từ Trung ương đến các địa phương đã khẩn trương vào cuộc với nhiều giải pháp nhằm giúp người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Quảng Trị Lê Hải Hà cho biết, đơn vị luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi sẵn có, nhất là các nguồn ưu đãi về việc làm. 
Tính đến ngày 31/10/2022, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm tại thị xã Quảng Trị là 69.081 triệu đồng. Riêng năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Quảng Trị đã cho vay theo Nghị quyết 11 là 31.425 triệu đồng, với 526 người lao động vay vốn.

Nhiều giải pháp nhằm giúp người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Hàng nghìn lao động được tiếp cận nguồn vốn vay
Theo bà Trần Đức Xuân Hương - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị, nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì việc làm theo Nghị quyết 11, Quỹ quốc gia về việc làm cũng như các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là rất lớn. 
Thời gian vừa qua, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách; các văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị Quyết số 11 và văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, CSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH, các Sở, ban ngành liên quan và chính quyền địa phương chỉ đạo, thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn trên địa bàn.
Theo bà Trần Đức Xuân Hương, sau khi được trung ương giao vốn, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị đã kịp thời phân bổ cho từng phòng giao dịch, huy động toàn bộ lực lượng đi đến tận các xã để giải ngân nhằm tạo điều kiện để người dân được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng. 

Các nguồn vốn đã tạo đòn bẩy cho người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh

Kết quả, đến nay, dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 219 tỷ đồng, trong đó chương trình hỗ trợ tạo việc làm đạt 100 tỷ đồng, với gần 2,4 nghìn lao động được hỗ trợ. Tổng dư nợ chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị đến nay đạt 509 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 12 nghìn lao động tại địa phương. 
“Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Quảng Trị ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, hỗ trợ vốn vay cho người lao động. Các nguồn vốn đã tạo đòn bẩy cho người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương” - bà Hương khẳng định.


CTV