Thực hiện chương trình tín dụng “Giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 74) và văn bản số 8055/NHCS-TDSV ngày 30/10/2019 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), NHCSXH Chi nhánh Điện Biên và các Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến Binh, Đoàn Thanh niên CSHCM) tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách đến các cộng đồng dân cư.

 

Trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh tỉnh Điện Biên

 

Hàng năm, căn cứ kế hoạch giải quyết việc làm của tỉnh, NHCSXH Chi nhánh Điện Biên đã phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở tổ chức xây dựng kế hoạch tín dụng về nguồn vốn đối với Chương trình tín dụng “Giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” trên địa bàn tỉnh Điện Biên. NHCSXH Chi nhánh Điện Biên đã chủ động tham mưu với chính quyền cơ sở và phối hợp tổ chức giải ngân nhanh chóng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo đúng đối tượng, đúng quy trình, thủ tục quy định.

Kết quả cho vay Chương trình “Giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” theo Nghị định 74 đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: Giai đoạn 2016- tháng 7/2020, kế hoạch nguồn vốn để thực hiện Chương trình được giao tăng 66 tỷ đồng, nâng tổng số nguồn vốn thực hiện Chương trình đến năm 2020 lên 133,7 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 đến tháng 7/2020, doanh số cho vay đạt 200,2 tỷ đồng với 4.648 lao động. Doanh số thu nợ đạt 147,8 tỷ đồng. Đến 31/7/2020, tổng dư nợ là 131,9 tỷ đồng với 2.991 lao động đang dư nợ, tăng 53 tỷ đồng so với năm 2015. Nợ quá hạn là 0,9 tỷ đồng, chiếm 0,68%/ dư nợ Chương trình cho vay, giảm 0,15% so với năm 2015.

 

Cán bộ NHCSXH phối hợp với các đoàn thể thăm mô hình chăn nuôi trâu sinh sản của Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khương 

 Các Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã đã phối hợp chặt chẽ với Hội, Đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến Binh, Đoàn Thanh niên) nhận ủy thác hướng dẫn Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và người vay xây dựng dự án, tiến hành thẩm định và trình duyệt hồ sơ cho vay theo quy định. Quá trình thẩm định và phê duyệt của các ngành, các cấp theo thẩm quyền được thực hiện nhanh chóng, do đó hiệu suất sử dụng vốn khá cao, tỷ lệ sử dụng vốn thường xuyên đạt trên 99%. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay được thực hiện thường xuyên, qua đó đã đánh giá người vay sử dụng vốn đúng mục đích, cơ bản thực hiện các dự án có hiệu quả; nguồn vốn của Chương trình đã góp phần tích cực để thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh...

Nhiều mô hình vay vốn hiệu quả như: Hộ gia đình bà Hoàng Thị Thư, khối 4, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng với dự án xây dựng kho chứa và thu mua nông sản, sắn, bông chít, số tiền vay 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động; Hộ gia đình bà Lò Thị Ngọc, bản Na Lanh, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, Tỉnh Điện Biên với dự án chăn nuôi gà, vay 50 triệu đồng tạo việc làm cho 1 lao động; Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khương, tổ 8, phường Thanh Trường TP Điện Biên Phủ, Tỉnh Điện Biên với dự án chăn nuôi trâu sinh sản, số tiền vay 30 triệu đồng, tạo việc làm cho 1 lao động; Hộ gia đình ông Vũ Xuân Hợp, đội 3,  xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên với dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây cảnh, số tiền vay 50 triệu đồng, tạo việc làm cho 1 lao động…

Mô hình dự án chăn nuôi trâu sinh sản của Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khương 

 

Mô hình dự án chăn nuôi gà của Hộ gia đình bà Lò Thị Ngọc

 

Việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến Binh, Đoàn Thanh niên) đã mang lại hiệu quả trong quá trình quản lý cho vay và sử dụng vốn vay theo Nghị định 74. Tuy nhiên, do nguồn vốn Trung ương giao hàng năm còn hạn chế, nguồn vốn ủy thác tại địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay vẫn còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân. Vì thế, NHCSXH Chi nhánh Điện Biên gặp không ít những khó khăn trong việc cân đối cung - cầu nguồn vốn để thực hiện cho vay“Giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”, bởi thực tế nhu cầu vốn của người dân rất lớn, đặc biệt là những hộ sát ngưỡng cận nghèo. Ngoài ra, hệ thống giao thông rất khó khăn làm ảnh hưởng đến công tác sử dụng vốn vay cũng như việc duy trì ổn định việc làm của người lao động.

Để phát huy hiệu quả của chương trình tín dụng giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Điện Biên, rất cần UBND tỉnh, UBND cấp huyện cân đối nguồn ngân sách hàng năm, chuyển sang NHCSXH để ủy thác cho vay, góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại địa phương. Đề nghị các ngành chức năng tăng cường tập huấn, xúc tiến thương mại..., nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất, chăn nuôi, tăng hiệu quả sử dụng vốn vay, tạo việc làm, duy trì việc làm ổn định và mở rộng việc làm.

NHCSXH Chi nhánh Điện Biên duy trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến Binh, Đoàn Thanh niên) tổ chức hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách đến các cộng đồng dân cư. Tiếp tục đào tạo các tổ chức hội, đoàn thể, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn/bản trong công tác xây dựng dự án, thẩm định hồ sơ vay vốn và quản lý vốn vay. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các chương trình tín dụng, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, để có giải pháp xử lý kịp thời, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn./.

Quang Minh