Nghị định 74 có nhiều tính ưu việt hơn so với Nghị định 61 trước đây khi mức vay được nâng lên tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vay mức tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng. Về đối tượng vay vốn chương trình cho vay gaiir quyết việc làm không thay đổi so với trước.

Trong những  năm qua, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) có vốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.

Với nguồn vốn tự có trên 220 triệu đồng, gia đình anh Lê Thiên Tư ở tổ dân phố Dục Tú, thị trấn Tân Phong mạnh dạn vay vốn NHCSXH thêm 80 triệu đồng để đầu tư vào mô hình nuôi cá - ốc thương phẩm. Từ số tiền trên, anh Tư thuê nhân công kè 160m² ao, mua 3 vạn cá giống và 20kg ốc về nuôi. Sau 6 tháng vay vốn, gia đình đã thu hoạch được sản phẩm, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình và 1 lao động địa phương.

Từ nguồn vốn vay NHCSXH kết hợp vốn sẵn có, gia đình ông Lê Thiên Tư ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đầu tư mô hình nuôi cá giống mang lại hiệu quả kinh tế cao


Gia đình vốn có truyền thống làm nông nghiệp, nhận thấy trồng lúa hiệu quả không cao, trong khi ốc phát triển nhanh ở môi trường nước, thị trường lại đang có nhu cầu tiêu thụ ốc, nên anh Lê Văn Tăng ở thôn 6, xã Quảng Hòa quyết định đầu tư mô hình nuôi ốc. 
Do nguồn vốn hạn hẹp, gom góp cũng chỉ được 40 triệu đồng, mới đủ tiền kè ao, gia đình anh Tăng vay thêm 60 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Xương để mua ốc giống. Sau gần 1 năm vay vốn, gia đình anh đã thu hoạch được 2 vụ ốc và mở rộng thêm ao để nhân giống, bán ốc giống. Hiện gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 1 lao động.
Cũng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cùng số tiền chắt chiu dành dụm của gia đình, anh Đào Duy Lực ở tổ dân phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong mua lợn sinh sản về chăn nuôi. Anh Lực chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn vay NHCSXH mà gia đình tôi mở rộng được mô hình chăn nuôi lợn giống. Từ buổi đầu chỉ có 3 con lợn, đến nay, trong chuồng thường xuyên có trên 30 con”. Nuôi lợn sinh sản cần nhiều công chăm sóc, gia đình anh thuê thêm 1 lao động để hỗ trợ việc chăn nuôi.

 Nhiều người dân tiếp cận nguồn vốn vay qua hệ thống Ngân hàng CSXH


Còn rất nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn huyện Quảng Xương thời gian qua đã được vay vốn và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả đã làm thay đổi cuộc sống. Những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, hộ có kinh tế có thêm điều kiện mở rộng quy mô SXKD, góp phần đưa kinh tế huyện vào diện khá của tỉnh và được công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2019.
Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) Lê Xuân Hải, có thể đánh giá khách quan, đây là một trong số các chương trình tín dụng hiệu quả nhất trong các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện thời gian qua. 
Có thể thấy rằng, nguồn vốn vay từ Nghị định 74 đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hộ gia đình vay vốn, giúp người dân trên địa bàn huyện Quảng Xương tự tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường./.





CTV