Nhiều người dân trên cả nước tiếp cận được nguồn vốn
Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống gia đình bà Trần Thị Phú (thôn Yên Quý, xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) luôn gặp cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Tuy nhiên, sau khi được Ngân hàng CSXHVN tỉnh Hà Tĩnh cho vay 50 triệu đồng, gia đình bà Phú đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi. Đến nay, nhờ cần cù chịu khó, mô hình của gia đình bà đã cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ năm.
Một góc nhỏ mô hình sản xuất kinh doanh của bà Trần Thị Phú (thôn Yên Quý, xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Anh Trịnh Tuấn Anh, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, anh từng làm công nhân, thu nhập khoảng 4-5 triệu tiền lương mỗi tháng, nhưng do dịch bệnh, công việc ít đi, người sử dụng lao động không có việc, phải cho công nhân nên anh mất việc làm, anh và gia đình rơi vào khó khăn. 
Sau khi được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thông báo về gói hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, anh đã làm hồ sợ xin vay vốn để có thu nhập. Anh Tuấn Anh đã vay được 50 triệu với thủ tục đơn giản, rất ngắn gọn. “Không có nguồn vốn thì chúng tôi không biết làm gì để có thu nhập khi mà công việc gặp khó khăn”, anh Tuấn Anh cho biết.
Ở thôn Cả, xã Phù Linh, anh Nà Văn Tình cũng cho biết, do dịch bệnh thì xưởng mộc của anh bị khó khăn, không vận chuyển được gỗ, không có đơn hàng, công nhân không có việc làm và rơi vào khó khăn. Sau khi có biết đến gói hỗ trợ giải quyết việc làm từ Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, anh đã xin vay vốn, và đầu tháng 10 anh đã nhận được khoản vay từ Ngân hàng CSXH Sóc Sơn. Sau đó, anh đã lập tức khôi phục sản xuất, mua thêm gỗ, gọi công nhân đi làm trở lại. 
Đến nay, sau hơn một tháng bắt đầu sản xuất kinh doanh trở lại, đời sống và thu nhập đã dần ổn định trở lại, tốt hơn lúc chưa vay vốn được rất là nhiều. Cơ sở sản xuất thì có mấy lao động thôi, nhưng mỗi ngày cũng được 300-400 nghìn. Anh Tình cho biết, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, cơ sở sản xuất mộc của anh sẽ sớm trả được vốn vay và không còn khó khăn nữa.
 Chương trình tín dụng hỗ trợ việc làm đã tạo cơ hội cho hàng triệu lao động vươn lên thoát nghèo
Hàng chục nghìn tỷ đồng đến với tay người dân chỉ trong ít tháng
Hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn NHCSXH huy động và nguồn vốn NHCSXH nhận ủy thác từ các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 bùng phát, nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, theo đó tổng nguồn vốn cho vay tối đa hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 10.000 tỷ đồng (năm 2022 và 2023).
Kể từ khi thực hiện chương trình đến ngày 30/4/2022, nguồn vốn cho vay đạt 45.750 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 4.611 tỷ đồng, nguồn vốn do NHCSXH huy động là 20.195 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH là 20.944 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt 98.854 tỷ đồng, với gần 3,5 triệu lượt khách hàng được vay vốn, giúp cho 5,3 triệu lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Hiệu quả của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã được minh chứng qua thực tế. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành từ trung ương đến địa phương, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến nay đã góp phần tích cực giải quyết trên 4,3 triệu lao động có việc làm với hơn 2,8 triệu lượt khách hàng được vay vốn, góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động, qua đó góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.



CTV