Lớp học nghề điện công nghiệp

Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương; UBND tỉnh đã ban hành các văn bản thể chế hóa các chính sách của Nhà nước, xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tham mưu Tỉnh ủy ban hành các chỉ  thị, chương trình hành động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tham mưu HĐND tỉnh ban hành các quy định, chính sách trong việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các chính sách về hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng là người khuyết tật, thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, lao động thuộc các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường …

Cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, các thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nội dung về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ, nhà giáo tại các cơ sở đào tạo trong việc triển khai thực hiện các quy định trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; lồng ghép các nội dung liên quan về giáo dục nghề nghiệp trong các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn của các cấp, các ngành.

Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; theo đó công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của địa phương được giao cho Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ máy quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện ngày càng được kiện toàn, đảm bảo tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Hiện tại, Phòng Giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 04 biên chế; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của 13/13 huyện, thành phố, thị xã đều có cán bộ phụ trách công tác giáo dục nghề nghiệp.

Các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương, công tác đào tạo nguồn nhân lực thông qua hệ thống báo cáo viên các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức các hội nghị tư vấn học nghề - giới thiệu việc làm, các phiên giao dịch việc làm, tư vấn tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề; chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan báo chí Trung ương, Đài phát thanh - truyền hình tuyến huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh có chuyên mục, chuyên trang hàng tuần để tuyên truyền, thông tin về chính sách, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm đến với người dân.

HĐND tỉnh đã tổ chức các hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người lao động, học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo và người dạy nghề tại các cơ sở đào tạo; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở đào tạo và các địa phương trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Có thể khẳng định, công tác Giáo dục nghề nghiệp ở Hà Tĩnh ngày càng nâng cao về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Nhiều ngành, nghề đào tạo được coi là “hot” ở tỉnh có tỷ lệ có việc làm cao sau đào tạo như: hàn, chế biến món ăn, sửa chữa điện công nghiệp và dân dụng… thu hút nhiều học viên theo học. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tổ chức đào tạo 54 ngành, nghề với tổng số 28.780 lượt người, trong đó tuyển mới 18.880 người (đạt 105% so với kế hoạch), gồm: 1.210 người trình độ cao đẳng, 4.520 trình độ trung cấp, 13.150 người trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết số 56 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh đã mở được 146 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 4.000 lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển...

Đến năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 60,7% (cả nước 58,6%), trong đó số có văn bằng, chứng chỉ đạt 37,5% (cả nước 23,5%). Ngoài ra, chỉ tính riêng sau 4 năm thực hiện mô hình thí điểm đào tạo trình độ Trung cấp nghề trong trường phổ thông, Hà Tĩnh đã tuyển sinh đào tạo trên 10 ngàn lượt học sinh, các em sau khi tốt nghiệp đủ điều kiện là lực lượng lao động kỷ thuật tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước và tiếp tục học các bậc học cao hơn. Đây là mô hình có tác dụng rất tốt trong công tác phân luồng hướng nghiệp nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của phụ huynh, học sinh và thị trường lao động.

Nhìn chung, chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở Hà Tĩnh đã và đang từng bước đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong cơ cấu kinh tế của địa phương./.

Trường Sơn