4.000 lao động có việc làm nhờ Quỹ quốc gia về việc làm

Tại Kế hoạch do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang ban hành gần đây, địa phương này đặt mục tiêu đảm bảo cho người lao động trong độ tuổi, có khả năng lao động, sẵn sàng làm việc đều có cơ hội tìm được việc làm ổn định, cải thiện đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển nền kinh tế - xã hội.

Theo đó, trong năm năm 2021, tỉnh An Giang phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 27.000 lao động, trong đó, giải quyết việc làm thông qua các dự án vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho khoảng 4.000 lao động.

Để đạt kế hoạch để ra, tỉnh An Giang đã tiến hành phân bổ vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, ưu tiên cho các huyện, thị xã, thành phố sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tạo việc làm, những vùng có diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng để phục vụ xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh cũng tạo thuận lợi cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động, cho vay khởi nghiệp đối với lao động là thanh niên. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động; đổi mới, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án sản xuất, kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tăng gia sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và tự tạo việc làm cho bản thân.

Bên cạnh đó, triển khai các mô hình tạo việc làm có hiệu quả từ nguồn vốn vay như: các hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; lồng ghép các chương trình tổ, nhóm giúp nhau làm kinh tế của tổ chức thanh niên, phụ nữ, nông dân và người khuyết tật... Bảo đảm vòng quay nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nhiều dự án, nhiều người lao động vay vốn làm ăn.

                                                  Nhiều hộ dân ở An Giang thoát nghèo nhờ vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm
                                                                                                       để tự tạo việc làm

Ngày càng chuyển biến tích cực

Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh An Giang Trần Thế Loan cho biết, trong giai đoạn từ 2016 đến đầu năm 2021, đơn vị này đã thực hiện giải ngân 312,6 tỷ đồng với 8.494 lượt hộ vay, tổng số lao động được tạo việc làm qua chương trình cho vay là 10.127 lao động.

Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm tại địa phương được duy trì và mở rộng việc làm đã phát huy tác dụng, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp điều kiện kinh tế, tự nhiên của địa phương được áp dụng mang hiệu quả thiết thực, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung và vốn giải quyết việc làm đã đến với 100% các khóm, ấp, phum, sóc trong toàn tỉnh, đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và ổn định. 

Cũng theo ông Trần Thế Loan, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm đang ngày càng chuyển biến tích cực từ nông thôn đến thành thị, từ dự án hộ gia đình đến dự án cơ sở sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tỉnh An Giang.

Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thực hiện chương trình các cấp thường xuyên quan tâm, giám sát các hội viên, người lao động trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đôn đốc trả nợ, trả lãi đúng hạn… Thông qua hoạt động cho vay tổ chức Hội các cấp nắm bắt tới từng cơ sở, đã gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. 

Tuy nhiên, nguồn vốn bổ sung hàng năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn thu hồi không thể đáp ứng nhu cầu vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dân; nguồn vốn cho vay của chương trình bao gồm vốn của trung ương và ủy thác địa phương, khả năng quay vòng vốn hiện tại thì chỉ giải quyết khoảng 26% nhu cầu vay vốn của người dân.

                                              Ngày càng nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm
                                                             thông qua hệ thống các Ngân hàng Chính sách xã hộI các địa phương.

Để đáp ứng, hỗ trợ người dân có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết tiếp tục bổ sung vốn ít nhất 30 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2021 - 2025 là 150 tỷ đồng, để cùng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn thu hồi cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn người dân, nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chổ cho lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, giảm bớt tình trạng người dân đi làm xa./.

PV